Thời gian qua, tình hình lừa đảo trên không gian mạng ở tỉnh Bình Định diễn biến phức tạp. Các đối tượng lừa đảo hoạt động ngày càng tinh vi, với nhiều thủ đoạn khác nhau.
Ở Bình Định nổi cộm lên tình trạng các đối tượng giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, toà án để lừa đảo. Nhiều đối tượng giả danh công an đã yêu cầu người dân cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…
Các đối tượng giả danh tiến hành thông báo tài khoản của bị hại thực hiện các việc rửa tiền, buôn bán ma tuý kèm các lệnh tạm giam, lệnh phong toả tài khoản. Qua đó, các đối tượng hù doạ, yêu cầu các bị hại chuyển tiền vào các tài khoản mà chúng đưa ra....
Bà N.T.H. (trú xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) bị “sập bẫy” các đối tượng lừa mất hơn 300 triệu đồng dưới hình thức này. Theo trình bày của bà H., ngày 10/11, bà nhận được cuộc điện thoại từ số lạ tự xưng là thiếu úy Hồ Minh Trí, công tác tại Công an tỉnh Bình Định. Người này thông báo việc bà để lộ thông tin Căn cước công dân nên đã liên quan đến đường dây mua bán ma túy.
Đối tượng yêu cầu người phụ nữ ra ngân hàng nộp 500 triệu đồng vào số tài khoản ngân hàng Kienlongbank, chủ tài khoản là Hồ Bảo Toàn, để “chứng minh bà trong sạch”. Bà H. than không đủ tiền, đối tượng hù doạ sẽ chuyển hồ sơ ra Bộ Công an và tạm giam bà. Quá lo sợ, ngày 13/11 và ngày 15/11, bà H. đã chuyển tổng cộng 315 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo.
Ngoài hình thức lừa đảo này, trên địa bàn tỉnh Bình Định diễn ra tình trạng lừa đảo trên không gian mạng bằng hình thức đầu tư tài chính trong thời gian ngắn để hưởng lợi cao; đầu tư chứng khoán; trúng thưởng thông qua Facebook, Zalo, các nền tảng xã hội… Chúng xây dựng cả ekip để dẫn dụ các đối tượng như đưa nhiều người chứng minh đã thực hiện được, có cả các lực lượng, cơ quan chức năng.
Ban đầu các đối tượng lừa để bị hại chuyển số tiền tương đối nhỏ, rồi dần dần dẫn dụ chuyển số tiền lớn. Sau đó, các đối tượng này viện dẫn nhiều lý do như nhập không đúng lệnh, không khớp lệnh, yêu cầu đóng thuế thu nhập cá nhân, đóng phí… để chiếm đoạt đến khi nào bị hại không còn tài sản, kiệt quệ thì chúng đánh sập các trang này.
Mới đây, Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) cũng phát hiện nhiều người bị lừa bởi những website, fanpage giả mạo công ty tuyển dụng, sau đó dẫn dắt người đăng ký tuyển dụng cài đặt Telegram làm các nhiệm vụ, chuyển khoản.
Bà Lê Thị Thu Liên, Phó phòng Tổ chức hành chính, Công ty Bidiphar cho biết, các đối tượng lừa đảo này rất chuyên nghiệp, tinh vi. Chúng lập các website và fanpage giả mạo công ty đăng các thông tin tuyển dụng nhân sự và làm giả công văn, con dấu và cả chữ ký của giám đốc công ty.
“Thời gian qua, đã có nhiều người bị các đối tượng này lừa chuyển khoản, tìm đến các chi nhánh của công ty”, bà Liên cho hay.
Theo tìm hiểu, các đối tượng này đã lập các trang “Phòng nhân sự Bidiphar”, sử dụng logo của công ty đăng tuyển nhân sự tất cả các chi nhánh trên 63 tỉnh thành. Sau đó, chúng gửi mail yêu cầu người tuyển dụng kết nối group Telegram để sơ khảo ngắn online.
Tại group, các đối tượng này đưa lên công văn thông báo quyết định tuyển dụng, giả cả logo, con dấu và chữ ký của giám đốc Công ty Bidiphar. Trong thông báo cho biết, các ứng viên sẽ được hưởng phúc lợi của Bidiphar, cụ thể là một ngày lương sau cơ bản sau khi hoàn thành xong hạng mục đầu tiên.
“Sau khi ứng viên hoàn thành giai đoạn 1, Bidiphar sẽ chi trả và quyết toán với số tiền 150.000 đồng để hỗ trợ mọi người hoàn thành phần tiếp theo”, thông báo nêu. Sau đó, chúng dẫn dắt người đăng ký làm các nhiệm vụ, chuyển khoản cho chúng.
Lập các kênh tuyên truyền nhanh
Trước tình hình trên, Công ty Bidiphar đã đưa ra thông báo, khẳng định, trong hoạt động tuyển dụng nhân sự, đơn vị không thu bất kỳ khoản phí nào hay chào mời ứng viên qua ứng dụng WhatsApp, Telegram. Các thông tin tuyển dụng đều được đăng công khai…
Trao đổi với VietNamNet, Công an tỉnh Bình Định cho hay, từ đầu năm đến nay đơn vị đã tiếp nhận 96 tin báo tố giác tội phạm liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, với số tiền chiếm đoạt trên 90 tỷ đồng. Riêng lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Định thụ lý 36 tin báo tố giác tội phạm, khởi tố 43 vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với số tiền hơn 70 tỷ đồng.
Thượng tá Hồ Văn Phước, Phó phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Định cho biết, để giảm thiểu tội phạm này phải tập trung vào công tác tuyên truyền.
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Định đã thành lập các kênh tuyên truyền về nhận diện phương thức thủ đoạn của các đối tượng hoạt động lừa đảo trên không gian mạng để quần chúng nhân dân nhận diện, cảnh giác phòng ngừa lừa đảo; làm các tờ rơi tuyên truyền rộng rãi đến cho bà con nhân dân. Đồng thời, phối hợp với các ngân hàng tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên cảnh giác khi tiếp nhận thông tin.
“Thực tế tội phạm này xảy ra thường xuyên, hầu như mỗi ngày, mỗi giờ các đối tượng đều đưa ra thông tin giả để lừa đảo. Nếu kiểm soát được hai lĩnh vực sim rác, tài khoản ngân hàng sử dụng tín dụng, cấm tuyệt đối việc mở tài khoản ngân hàng bán cho người khác để lấy tiền hoặc mở tài khoản ngân hàng cho người khác sử dụng thì sẽ hạn chế được rất nhiều tội phạm lừa đảo trên không gian mạng”, thượng tá Hồ Văn Phước nói.
Tránh bị xâm nhập các dữ liệu cá nhân
Công an tỉnh Bình Định thông tin, thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, lực lượng công an cùng các ngành chức năng tỉnh Bình Định thường xuyên tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử; các tính năng, tiện ích trên ứng dụng định danh điện tử (VNeID).
Bước đầu, ứng dụng này đã được người dân tiếp cận, sử dụng. Tuy nhiên nắm bắt được nhu cầu, nhiều đối tượng đã tạo các phần mềm giả mạo và giả danh lực lượng công an yêu cầu người dân cài đặt phần mềm giả mạo để chiếm quyền sử dụng điện thoại di động rồi chiếm đoạt tài sản trong ứng dụng ngân hàng điện tử…
Công an tỉnh Bình Định khuyến cáo người dân không nên nghe những số điện thoại có đầu số lạ, đầu số nước ngoài, đầu số 024 để tránh lừa đảo. Việc sử dụng những thông tin cá nhân, những trang mạng xã hội phải có chế độ bảo mật cao, tránh tội phạm lừa đảo trên không gian mạng xâm nhập vào trang cá nhân, xâm nhập dữ liệu thu thập thông tin để tiến hành lừa đảo.
“Trên các trang mạng xã hội người dân không nên tin vào các thông tin việc nhẹ lương cao, đầu tư tài chính có lãi cao. Làm gì cũng phải có quá trình, không thể nào đầu tư 10 triệu trong vòng 15 phút được 12 triệu. Đây là những đường link, những trang tội phạm lừa đảo đưa ra để dẫn dụ, kích ứng sự tham lam của con người. Chúng tôi cảnh báo toàn thể nhân dân khi tiếp cận những thông tin này, cần phải đề cao cảnh giác để tránh bị lừa đảo”, thượng tá Hồ Văn Phước cảnh báo.
Công an tỉnh Bình Định vừa công bố 21 thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao. Theo đó, công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác khi phát hiện các dấu hiệu tội phạm công nghệ cao cần chủ động tố giác tội phạm, phối hợp đấu tranh ngăn chặn với loại tội phạm này.
Diễm Phúc – N.Hiền