Liên tục gần đây, nhiều người ở Đắk Lắk đến cơ quan công an trình báo về việc bị lừa số tiền lớn bằng chiêu trò mời gọi đầu tư tài chính và lừa đảo qua mạng xã hội.
Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, tuy loại tội phạm này mới phát sinh nhưng trong thời gian ngắn đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên phạm vi toàn quốc, trong đó có địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Cũng theo Công an tỉnh, các vụ lừa đảo này đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho bị hại và làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Vào cuộc điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk bước đầu nhận diện được 6 phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng.
Cụ thể, thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram, các đối tượng mời gọi đầu tư tài chính online. Ban đầu, các đối tượng tạo sự tin tưởng bằng cách yêu cầu bị hại chuyển tiền đầu tư vào các tài khoản trên Website, ứng dụng do các đối tượng cung cấp, các bị hại làm theo hướng dẫn thì thấy có sinh lời như cam kết và có thể rút tiền về được.
Sau đó, các đối tượng yêu cầu bị hại chuyển số tiền nhiều hơn và thông báo sinh lời số tiền lớn từ việc đầu tư này nhưng bị hại không thực hiện lệnh rút tiền được.
Lúc này, các đối tượng mới yêu cầu bị hại nộp thêm tiền lệ phí để rút tiền. Vì tin tưởng là thật nên khi bị hại chuyển thêm số tiền lớn thì bị đối tượng chiếm đoạt.
Phương thức thứ 2, là cũng thông qua mạng xã hội, các đối tượng giới thiệu là người nước ngoài, làm quen với các công dân Việt Nam nhằm tán tỉnh, yêu đương, hứa hẹn bảo lãnh bị hại định cư ở nước ngoài hoặc đề nghị chuyển quà như trang sức, mỹ phẩm và số lượng lớn tiền USD qua đường hàng không về Việt Nam để làm quà tặng hoặc nhờ họ giữ giùm.
Khi các đối tượng được về nước sẽ chia cho bị hại một phần giá trị món quà. Tiếp theo các đối tượng yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp để làm thủ tục đóng tiền lệ phí, tiền vận chuyển quà chiếm đoạt.
Cách thứ ba là, thông qua mạng xã hội, các đối tượng kêu gọi tuyển nhân viên làm online tại nhà để hưởng tiền hoa hồng.
Ban đầu, các đối tượng tạo sự tin tưởng cho bị hại bằng cách yêu cầu làm nhiệm vụ giá trị thấp, chuyển số tiền nhỏ, các bị hại làm theo thì được hưởng tiền như cam kết.
Sau đó, các đối tượng yêu cầu bị hại chuyển số tiền nhiều hơn và thông báo đã trúng thưởng số tiền lớn, đồng thời yêu cầu nộp thêm tiền để nâng cấp cấp độ làm nhiệm vụ và hạn mức rút tiền thưởng. Vì tin tưởng là thật nên khi bị hại chuyển số tiền lớn thì bị đối tượng chiếm đoạt.
Thứ tư, do cần tiền chi tiêu nên các bị hại tìm kiếm vay tiền online trên mạng Internet. Các đối tượng đóng giả nhân viên các công ty tài chính hứa hẹn cho vay với lãi suất thấp nhưng phải đóng các chi phí kích hoạt khoản vay, phí bảo đảm và yêu cầu bị hại chuyển tiền phí. Vì tin tưởng là thật nên khi bị hại chuyển số tiền lớn thì bị đối tượng chiếm đoạt.
Thứ năm, các đối tượng giả danh là cán bộ cơ quan nhà nước như: công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thông báo với chủ thuê bao có liên quan đến vụ án hình sự để khai thác các thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng.
Sau đó, chúng yêu cầu bị hại phải giao quyền quản lý tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp để kiểm tra nguồn gốc rồi sẽ trả lại và đe dọa nếu bị hại không thực hiện sẽ bị bắt giam nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thứ sáu, các đối tượng giả danh nhân viên các nhà mạng viễn thông, ngân hàng thông báo tài khoản ứng dụng của ngân hàng của bị hại thường xuyên bị khóa hoặc bị chiếm đoạt và yêu cầu phải làm theo hướng dẫn để mở tài khoản.
Sau đó, chúng hướng dẫn bị hại truy cập vào các đường link mà chúng gửi, rồi nhập mã OTP để hoàn thành. Tuy nhiên, sau khi làm theo hướng dẫn thì bị hại phát hiện tiền trong tài khoản ngân hàng đã bị chiếm đoạt.
Hiện công an tỉnh Đắk Lắk đang vào cuộc điều tra một số vụ án liên quan đến 6 phương thức phạm tội nói trên.