Ngày 9/12, Công an Hà Nội tổ chức tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) chuyên sâu cho 3.205 chỉ huy, cán bộ Công an cấp xã hiện đang được phân công thực hiện công tác kiểm tra an toàn về PCCC&CNCH.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hội trường lớn Công an TP đến 26 điểm cầu quận, huyện, thị xã; buổi chiều tập huấn trực tiếp, chia thành 10 cụm với sự tham gia của đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an) để hướng dẫn, giải đáp những khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước về PCCC&CNCH của lực lượng công an cấp xã.
Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội cho biết, Công tác PCCC&CNCH trong thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC&CNCH, quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC ngày càng được hoàn thiện, ý thức của chủ cơ sở và nhân dân về công tác PCCC&CNCH ngày càng được nâng lên, hiệu quả của phương châm 4 tại chỗ ngày càng được phát huy. Minh chứng cho điều này là hơn 70% số vụ việc được lực lượng Công an cấp xã, lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở và người dân tự dập tắt.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình cháy, nổ còn diễn biến rất phức tạp. Do đó, Công an Thành phố tổ chức hội nghị tập huấn cho chỉ huy, cán bộ Công an cấp xã về nghiệp vụ PCCC&CNCH. Qua đó, nhằm bổ sung, nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực PCCC&CNCH như: Kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC và CNCH, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động... cho Công an cấp xã để tham mưu cho UBND cùng cấp thực hiện hiệu quả công tác PCCC&CNCH.
Trung tá Lê Minh Hải, Trưởng phòng Công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH thông tin về tình hình cháy nổ hiện nay, những nguy cơ tiềm ẩn phức tạp về PCCC, khó khăn vướng mắc trong công tác tham mưu, chỉ đạo của lực lượng Công an xã trong tình hình hiện nay và phương hướng khắc phục.
Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết thêm, hệ thống lại một số chỉ đạo xuyên suốt của UBND Thành phố (do Công an Thành phố tham mưu) thực hiện quản lý đối với cơ sở từ trước khi Nghị định 136 ban hành. Trong đó, nhấn mạnh đến công tác quản lý Nhà nước về PCCC đối với các đối tượng thuộc UBND cấp xã quản lý, trước khi Nghị định 136/2020/NĐ-CP ban hành; trách nhiệm quản lý Nhà nước về PCCC đối với các cơ sở thuộc Phụ lục IV Nghị định 136; nhiệm vụ cụ thể, lưu ý của Công an cấp xã và một số chuyên đề trọng tâm trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đang triển khai đối với các đối tượng do UBND cấp xã quản lý.