Giám thị cũng có thể làm lọt, lộ đề
Ngày 15/6, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị hướng dẫn công tác coi thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023.
Chia sẻ về gian lận thi cử, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Trưởng phòng PA03 - Công an Thành phố Hà Nội, cho hay hiện nay, các đối tượng vẫn rao bán thiết bị phục vụ cho hành vi này bằng nhiều hình thức.
“Cũng như các năm trước đây, chúng tôi phát hiện rất nhiều trường hợp sử dụng thiết bị tai nghe siêu nhỏ, thậm chí bằng hạt đậu, được đặt ở phần trong tai của thí sinh và kết nối với một thiết bị dùng thẻ sim ở ngoài để gọi vào”, ông Hùng nói.
“Thí sinh mặc dù không ai gọi, cũng không nói chuyện với ai nhưng miệng vẫn lẩm bẩm thì chắc chắn giám thị phải nhìn thấy. Và như vậy, nếu giám thị tăng cường giám sát thì có thể phát hiện được”.
Ông Hùng cũng lưu ý thêm về các loại camera như cúc áo, gắn ở khẩu trang, kính, dây lưng... Ví dụ như bút cài ở túi áo có thể có camera gắn trên, đồng hồ có thể gắn camera...
Theo ông Hùng, hành vi gửi đề ra ngoài sớm thường diễn ra ngay lúc giám thị phát đề thi, bởi lúc đó, các thầy cô mỗi người bận một việc. Có khi vừa phát đề là thí sinh đã có thể quay chụp.
Do đó, ông Hùng đề nghị ngay từ đầu giờ thi, các giám thị cần lưu ý, một người phát đề thì người kia tập trung quản lý, giám sát chặt, không để cho các thí sinh có cơ hội sử dụng thiết bị gian lận.
"Việc đấu tranh là của lực lượng công an, còn với việc phát hiện thí sinh gian lận thì vai trò của giám thị rất quan trọng. Một số dấu hiệu cần cảnh giác như trong mùa hè nóng nực nhưng thí sinh mặc áo dài tay hay tóc để xõa ra..." - ông Hùng lưu ý
Ngoài ra, ông Hùng cũng lưu ý không chỉ thí sinh mà ở các kỳ thi các năm trước từng phát hiện một số giám thị mang điện thoại vào phòng thi chụp ra ngoài khiến lọt lộ đề. Do đó, vấn đề này cũng cần quán triệt tới cả các giám thị.
Các điểm thi được sử dụng điều hòa
Tại hội nghị, Điểm trưởng điểm thi Trường THCS Ngô Sĩ Liên - Chương Mỹ bày tỏ băn khoăn “Theo hướng dẫn tổ chức thi, tất cả thí sinh đều phải đeo khẩu trang trong quá trình dự thi, vậy quan sát làm sao được miệng của thí sinh như hướng dẫn của bên công an?”.
Về điều này, ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng - Khoa học công nghệ cho hay để phòng chống gian lận, khi gọi thí sinh vào phòng thi, giám thị yêu cầu thí sinh mở khẩu trang để nhận diện khuôn mặt, đồng thời kiểm tra luôn xem ó dấu hiệu sử dụng công nghệ cao không. Nếu nghi ngờ, các cán bộ sẽ yêu cầu thí sinh thay khẩu trang bằng khẩu trang của điểm thi.
Ông Trung cũng cho biết kỳ thi diễn ra vào những ngày nắng nóng, thí sinh lại đeo khẩu trang nên Sở GD-ĐT Hà Nội thống nhất các điểm thi được sử dụng điều hòa.
Về quy định mới vật dụng, tư trang cá nhân của thí sinh phải để cách phòng thi tối thiểu 25m, Điểm trưởng điểm thi Trường THPT Hồng Thái băn khoăn: “Những năm trước, những vật dụng này được để ở ngoài hành lang phòng thi. Đồ của phòng nào để trước phòng đó, rất dễ quản lý, ít xảy ra hiện tượng mất trộm.
Năm nay, Hội đồng thi của chúng tôi có 36 phòng thi với khoảng 860 thí sinh, nếu theo quy định để cách 25m thì sẽ dễ xảy ra mất trộm hoặc nhầm lẫn, còn nếu bố trí mỗi phòng ở một khu vực riêng để tránh hiện mất đồ thì sẽ rất mất thời gian. Chưa kể, cũng không thể biết các em mang theo những gì, nhưng nếu xảy ra mất, Hội đồng thi có chịu trách nhiệm hay không?”
Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng gợi ý các Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường THCS nhắc học sinh chỉ mang đúng những vật dụng được phép mang vào phòng thi theo quy chế, không nên mang đến điểm thi tài sản có giá trị.
Với các điểm thi, tùy thuộc điều kiện cụ thể, có thể bố trí gom đựng vật dụng, tư trang cá nhân của thí sinh của mỗi phòng thi vào thùng tôn, thùng giấy các tông... Hoặc dùng móc treo ở khu vực nhà gửi xe, ghi thông tin cụ thể của thí sinh.
“Hiện nay, chúng tôi đã tham mưu với Ban giám đốc Sở về việc bố trí một số cán bộ coi thi, giám sát dự phòng để thực hiện thêm các nhiệm vụ mà Quy chế thi yêu cầu”, ông Toản nói.
Thanh Hùng