Chiều 11/4, Công an TP Hà Nội cho biết, tình hình tội phạm ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, nắm rõ học sinh, sinh viên ở độ tuổi dễ bị lôi kéo nên tìm đủ mọi cách đưa ma túy vào học đường thông qua những điểm, tụ điểm quanh nhà trường và từ chính học sinh, sinh viên.
Theo đó, trong năm 2022, Công an các quận Nam Từ Liêm và Tây Hồ đã phát hiện, bắt giữ các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy dưới dạng thực phẩm.
Cụ thể gồm: MDMA, Methamphetamine, Ketamin và cả Nimetazepam. Mục đích của các đối tượng đối với việc pha trộn ma túy trong thực phẩm chủ yếu để thuận lợi trong giao dịch, mua bán, vận chuyển nhằm hạn chế sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu của khách hàng là có thể mang ma túy về cất giấu trong nhà mà người thân không phát hiện được.
Mới đây, đầu tháng 2, Công an huyện Thạch Thất đã bắt giữ Nguyễn Văn Duy (xã Hữu Bằng), đối tượng phân phối, bán thuốc lá điện tử chứa chất ma túy cho các thanh niên trên địa bàn.
Theo kết quả giám định, chất có trong thuốc lá điện tử mà Nguyễn Văn Duy bán là ADB-Butinaca, thuộc nhóm chất cần sa tổng hợp trong danh mục cấm. Ma túy thế hệ mới có tốc độ sản xuất nhanh hơn, đồng thời gây tác động đến con người lớn hơn nhiều lần so với các loại ma túy truyền thống.
Cơ quan công an khuyến cáo, nhiều bạn trẻ cho rằng các loại ma túy mới khi sử dụng sẽ không gây nghiện, tuy nhiên, đây là quan điểm rất sai lầm. Ma túy thế hệ mới có khả năng gây nghiện rất nhanh, đồng thời tàn phá hệ thần kinh trung ương, khiến người dùng không điều khiển được hành vi, thường xuyên hoang tưởng. Rất nhiều vụ án đau lòng đã xảy ra sau khi sử dụng các loại ma túy này. Do đó, các bạn trẻ không được sử dụng dù chỉ một lần.
Thượng tá Phạm Quỳnh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an TP Hà Nội cho hay, hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp có mẫu mã, hình thức, thành phần chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần mới, được giới trẻ ưa chuộng.
Đáng báo động hơn, ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống nhằm che giấu cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt, thực chất đó là ma túy pha trộn với thực phẩm và đồ uống.
Về thủ đoạn, có đối tượng nghiền nhỏ ma túy (thuốc lắc) rồi trộn với bột cà phê hoặc pha vào nước ngọt, soda sau đó đóng thành túi, chai thành phẩm bán cho khách. Tội phạm cũng chế biến cần sa thành bánh với các thành phần khác như bơ, bột mỳ, socola, đường… rồi rao bán trên mạng.