“Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT”, đã được Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long ký ban hành.
Việc xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) dành cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT nhằm theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả chuyển đổi số hằng năm của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong quá trình triển khai “Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ TT&TT giai đoạn 2021 – 2025”.
Đồng thời, phục vụ thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia và các Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Một mục tiêu cụ thể của bộ chỉ số DTI cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT là giúp các cơ quan, đơn vị biết được hiện trạng chuyển đổi số, những điểm mạnh cần phát huy, các điểm yếu cần khắc phục. Cùng với đó, cung cấp thông tin hỗ trợ cho cơ quan, đơn vị thực hiện các giải pháp phù hợp để hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra tại Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ giai đoạn 2021 - 2025 cũng như Kế hoạch chuyển đổi số hằng năm của Bộ.
Bên cạnh việc bám sát nội dung các Chương trình, Chiến lược về chuyển đổi số, bộ chỉ số DTI cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT cũng được xây dựng theo các nguyên tắc bảo đảm tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của Bộ; có tính nhất quán về chu kỳ đánh giá và dữ liệu, số liệu để phục vụ đánh giá; tăng cường thu thập dữ liệu sẵn có để phục vụ đánh giá; có tính mở và được cập nhật, phát triển phù hợp với thực tiễn…
Được áp dụng với 35 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT (không bao gồm doanh nghiệp), bộ chỉ số DTI mới được Bộ ban hành gồm 8 chỉ số đánh giá chính: Nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, hoạt động chuyển đổi số, dữ liệu số và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Mỗi chỉ số chính có các chỉ số thành phần khác nhau.
Trong đó, chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến chỉ áp dụng với 12 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ với đơn vị cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bao gồm 2 vụ, 8 cục và 2 trung tâm.
Bộ TT&TT cũng xác định cụ thể thang điểm, phương pháp đánh giá cho từng chỉ số chính, chỉ số thành phần để từ đó xác định được giá trị DTI của từng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Cụ thể, tổng điểm của 8 chỉ số chính với 58 chỉ số thành phần là 700 điểm.
Bộ TT&TT sẽ định kỳ hằng năm tổ chức xác định, công bố kết quả đánh giá DTI của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, gắn với thi đua - khen thưởng. Việc đánh giá, xếp hạng các đơn vị sẽ dựa trên 3 nhóm chỉ số: Nhóm chỉ số chung với 7 chỉ số chính là nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, hoạt động chuyển đổi số và dữ liệu số; nhóm cung cấp dịch vụ công trực tuyến gồm các chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nhóm dữ liệu số gồm các chỉ số dữ liệu số.
Bộ TT&TT cũng dự kiến sẽ xây dựng và vận hành hệ thống cho phép thu thập, đánh giá và xếp hạng theo công thức tương ứng; cho phép tra cứu trực tuyến kết quả đánh giá DTI của cơ quan, đơn vị.
Trung tâm Thông tin là đơn vị được Bộ TT&TT giao trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và đôn đốc thực hiện bộ chỉ số DTI cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Trung tâm Thông tin tham mưu, đề xuất hình thức khen thưởng, đánh giá, xếp loại phù hợp với các đơn vị thực hiện tốt việc chuyển đổi số; đồng thời lồng ghép các tiêu chí đánh giá về chuyển đổi số vào bộ chỉ số cải cách hành chính của Bộ.
Trong 3 năm gần đây, với vai trò là cơ quan dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT đã tổ chức đánh giá, xếp hạng chỉ số chuyển đổi số - DTI của các bộ, ngành, địa phương. Kết quả đánh giá cho thấy, điểm số của Bộ TT&TT đã liên tục được cải thiện và luôn có tên trong Top 7 các bộ có cung cấp dịch vụ công.
Kế hoạch chuyển đổi số Bộ TT&TT giai đoạn đến năm 2025 đã nêu rõ, công tác triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của Bộ tập trung giải quyết 3 vấn đề căn bản, bao gồm: Kiểm soát việc liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các tài nguyên CNTT trên cơ sở sử dụng các nền tảng tích hợp, chia sẻ dùng chung, tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan; Dữ liệu số được liên tục cập nhật, nâng cao chất lượng khi triển khai các hệ thống thông tin, chia sẻ phục vụ ra quyết định chỉ đạo, điều hành và tạo ra các thông tin tham chiếu gốc, cung cấp cho nhiều nhóm đối tượng sử dụng thuộc lĩnh vực quản lý; Hình thành một không gian ứng dụng CNTT có tính cộng tác, đơn giản, lấy người sử dụng làm trung tâm, phục vụ đầy đủ nhu cầu quản lý, thực hiện hành chính công vụ và chuyên môn, nghiệp vụ trên môi trường mạng. |