Bộ Xây dựng cho biết, vừa qua, ngày 20/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong đó có NƠXH và cải tạo chung cư cũ.

Theo đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo về NƠXH, dự án cải tạo chung cư cũ giai đoạn 2021- 2025.

Nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn rất lớn đặc biệt với những đối tượng có mức thu nhập thấp, trung bình nhưng vẫn có những dự án NƠXH mở bán hết năm này qua năm khác vẫn ế (Ảnh: Dự án NƠXH Bamboo Garden của Công ty Cổ phần tập đoàn CEO với giá bán chỉ dưới 10 triệu  đồng/m2 trầy trật mở bán đến hơn 20 lần)

Cụ thể, với nhà ở xã hội phải báo cáo rõ nhu cầu nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp; tình hình triển khai thực hiện và nhu cầu vay vốn (nếu có); các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị.

Với cải tạo chung cư cũ phải lưu ý doanh mục các dự án cải tạo; tình hình triển khai thực hiện và nhu cầu vay vốn.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát chặt chẽ và chịu trách nhiệm về các dự án đề xuất, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Các báo cáo này gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 10/6/2022.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Gói hỗ trợ nằm kế hoạch được phê duyệt từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn vốn hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là 40.000 tỷ đồng.

Trong đó, đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn vay để thực hiện dự án xây dựng NƠXH, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố.

Ngoài gói hỗ trợ trên, ngành xây dựng còn gói hỗ trợ cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua NƠXH, nhà ở cho công nhân; xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về NƠXH với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng.

Lo nghìn tỷ không có chỗ tiêu

Chia sẻ tại một hội thảo trước đó, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định, hai năm (2020-2021) nguồn cung bất động sản giảm mạnh, năm 2021 nguồn cung nhà ở giảm 34% so với năm 2020, năm 2020 số dự án mới đã giảm 50% so với năm 2019. Còn NƠXH gần như không có dự án nào được cấp phép mới, trong khi đây là phân khúc có nhu cầu cao nhất.

Cũng theo ông Khởi, hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế là cơ hội với thị trường bất động sản.

“15.000 tỷ đồng hỗ trợ cho đối tượng thuê, mua nhà ở vay với lãi suất thấp nhưng bây giờ lấy đâu ra nguồn cung để cho người dân mua NƠXH. Tức là muốn giải ngân 15.000 tỷ đồng trên phải có nguồn cung NƠXH cho người dân, có cung mới tiêu được cầu. Như vậy, trong 2 năm liệu có tiêu hết 15.000 tỷ?”- ông Khởi nói.

Trong giai đoạn 2011-2020, cả nước chỉ thực hiện được 248 dự án nhà ở xã hội với khoảng 100.000 căn hộ, chỉ đạt 41,4% kế hoạch. Theo kết quả kiểm toán nhà nước về chương trình nhà ở xã hội tại Hà Nội, trong tổng số 15 dự án nhà ở xã hội, có 2 dự án chưa triển khai, 7 dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, 1 dự án không có thông tin tình hình triển khai, 2 dự án dừng triển khai và 3 dự án đã được chấp thuận chuyển đầu tư sang nhà ở thương mại. Còn tại TP.HCM, trong giai đoạn 2016-2020 đã rất nỗ lực nhưng cũng chỉ thực hiện được gần 15.000 căn hộ, đạt 75% kế hoạch.

Nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế, dù NƠXH luôn trong tình trạng cung không đủ cầu tuy nhiên vẫn tồn tại một nghịch cảnh nhiều dự án NƠXH “ế sưng” dù giá chỉ trên dưới 10 triệu đồng/m2.

Có thể kể đến như dự án NƠXH  và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (tên thương mại Bright City) tại huyện Hoài Đức, Hà Nội do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư. Dự án có tổng số 1.496 căn hộ, trong đó có 264 căn bán thương mại; 911 căn hộ để bán và 312 căn hộ để cho thuê. Giá bán dự kiến căn hộ tại dự án này là hơn 14 triệu đồng/m2 (chưa gồm thuế VAT và 2% phí bảo trì). Thế nhưng, từ lần mở bán đầu tiên vào năm 2015 đến lần mở bán lần thứ 23, dự án mới bán được 847 căn và 113 căn nhà cho thuê.

Đây vốn là dự án nhà ở thương mại, nhưng trong suốt quá trình triển khai, dự án đã nhiều lần “đắp chiếu”. Đến năm 2014, chủ đầu tư xin chuyển dự án này sang dự án NƠXH. AZ Thăng Long là dự án nhà ở xã hội nằm trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Cũng ngay tại Hà Nội, một dự án NƠXH khác là Bamboo Garden của Công ty CP Tập đoàn CEO ở huyện Quốc Oai là dự án được chủ đầu tư chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội từ năm 2014 để kịp hưởng những ưu đãi gói 30.000 tỷ đồng.

Dự án có tổng số 432 căn hộ, trong đó có 346 căn hộ để bán, 86 căn hộ để cho thuê. Giá bán tạm tính căn hộ nhà ở xã hội chưa tới 10 triệu đồng đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì). Với mức giá rẻ như vậy nhưng dự án này cũng trầy trật mở bán đến hơn 20 lần vẫn chưa hết.

Đánh giá về thực trạng này, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, người dân mua nhà để ở và nơi đó còn phải có những công trình đáp ứng nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống của họ như các tiện ích, trường học, bệnh viện, hạ tầng giao thông…

Trong khi đó, các khu vực xa trung tâm thường thiếu nhiều điều kiện về kết nối giao thông với các khu vực khác, chất lượng hạ tầng xã hội và dịch vụ thấp. Còn những nơi có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức phát sinh nhiều lao động làm việc lại rất ít dự án nhà giá rẻ, bình dân. Điều này gây ra nghịch lý thực tế nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn rất lớn đặc biệt với những đối tượng có mức thu nhập thấp, trung bình nhưng vẫn có những dự án như Bright City, Bamboo Garden mở bán hết năm này qua năm khác vẫn ế.

Chuyên gia cho rằng, đây cũng là vấn đề cần lưu ý khi thực hiện các gói hỗ trợ trong thời gian tới.

Tính đến nay, hiện nay, cả nước đã hoàn thành 275 NƠXH, với khoảng 147.000 căn hộ. Toàn thị trường đang tiếp tục triển khai 339 dự án khác, với khoảng 371.500 căn hộ mới, sắp ra mắt thị trường.

Tuy nhiên, số lượng dự án nhà ở như vậy vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất để xây dựng NƠXH; vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; thiếu nguồn vốn ưu đãi và cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp.

Thuận Phong

Khó tin căn hộ 14 triệu/m2 ế giữa sốt đất, lo 15.000 tỷ không có chỗ tiêuTrong khi các phân khúc từ đất nền, biệt thự, liền kề đến chung cư thương mại đều tăng giá phi mã trong cơn sốt đất thì nhà ở xã hội có những dự án với giá chỉ trên dưới 10 triệu đồng/m2 ngay tại Hà Nội lại “ế sưng”.