Bức tranh kinh tế ngành logistics năm 2023
Logistics là một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế, đóng vai trò kết nối các hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hóa. Trong những năm gần đây, ngành logistics Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14% - 16%/năm. Dự báo của Mordor Intelligence đối với ngành vận tải hàng hóa và logistics có dung lượng thị trường đạt 45,19 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 6,34% trong giai đoạn 2023 - 2029.
Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường từ kinh tế toàn cầu, theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đầu năm giảm lần lượt là 5,9% và 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng khối lượng vận tải hàng hàng hóa nước ta ước đạt 2.062,3 triệu tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vận tải thủy nội địa có mức tăng lớn nhất đạt 18,5%; vận tải hàng không, đường bộ, đường biển có mức tăng lần lượt là 13,6%, 11,7% và 9,9%; riêng với vận tải đường sắt, lượng hàng hóa ghi nhận mức sụt đáng kể 22,4%.
Số liệu của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, xét riêng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển lũy kế từng tháng năm 2023, thời điểm tháng 1 có lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng âm; đến hết quý I, duy nhất lượng hàng hóa nhập khẩu qua cảng biển ghi nhận tăng trưởng dương. Lũy kế 8 tháng đầu năm, lượng hàng hóa xuất khẩu chưa ghi nhận cải thiện mà còn có chiều hướng xấu đi; ngược lại, hàng hóa nhập khẩu và nội địa đã tăng trưởng dương nhưng chưa thể vượt mức 4,0%.
Theo khảo sát của Vietnam Report, phần lớn các doanh nghiệp logistics ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm. Đáng chú ý, trong số 67,8% số doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận, có tới 40,0% số doanh nghiệp cho biết có mức sụt giảm đáng kể.
Thách thức của doanh nghiệp ngành logistics
Trước sự chững lại của kinh tế toàn cầu cùng với kết quả kinh doanh trong 3 quý đầu năm, Vietnam Report phân tích các doanh nghiệp logistics trong nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Thứ nhất, ngành logistics gắn liền với các hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hóa trong nước và thế giới. Khi những yếu tố bất lợi hiện hữu như: bất ổn chính trị, lạm phát tăng cao sau những chính sách kích cầu tại nhiều quốc gia trong thời kỳ Covid-19… nền kinh tế đã tăng trưởng chững lại, số lượng đơn hàng giảm.
Thứ hai, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành gia tăng khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường với mục tiêu chiếm lĩnh, xuất hiện nhiều doanh nghiệp thông qua các sàn thương mại điện tử để mở rộng hệ sinh thái và tự chủ hoạt động giao hàng…
Thứ ba, những yếu tố như: biến động giá năng lượng, sức ép tỷ giá, lạm phát cao, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động đầu tư, cơ sở hạ tầng còn hạn chế… đều tác động đến chi phí của doanh nghiệp. Theo nhận định của chuyên gia trong ngành, đầu tư kho bãi gắn với quy hoạch phát triển vùng kinh tế chưa đồng bộ, hạ tầng logistics tản mạn là nguyên nhân lớn dẫn đến chi phí logistics cao.
Cuối cùng, khó khăn về nhân lực làm hạn chế năng lực của doanh nghiệp. Theo Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Valoma, dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 nhân lực, trong khi khả năng đáp ứng chỉ khoảng 10,0% nhu cầu thị trường. Số lao động được đào tạo bài bản chỉ chiếm 5 - 7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này.
Một số xu hướng và chiến lược giúp doanh nghiệp khẳng định vị thế
Trước kỳ vọng về phục hồi kinh tế cùng mục tiêu tăng trưởng 6,0% trong năm 2024 của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra tín hiệu lạc quan. Có 34,5% số doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định ngành logistics sẽ tăng trưởng tốt hơn. Hơn nữa, dự thảo thay thế Thông tư 54/2018/TT-BGTVT về việc tăng 10% giá dịch vụ bốc dỡ container từ năm 2024 tại một số khu vực cũng mang lại triển vọng tích cực hơn cho các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là nhóm ngành khai thác cảng.
Theo khảo sát của Vietnam Report, 5 chiến lược ưu tiên trong ngắn hạn của các doanh nghiệp logistics hiện nay bao gồm: đơn giản hóa quy trình hoạt động để cắt giảm chi phí; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; mở động chuỗi cung ứng, tìm kiếm thị trường mới; tăng cường hoạt động hậu mãi để gắn kết khách hàng; và tăng cường nguồn vốn cho thiết bị công nghệ phục vụ chuyển đổi số.
Xu hướng logistics được dự đoán sẽ phát triển hơn nữa vào năm 2024 để theo kịp tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Nhìn chung, các doanh nghiệp trong ngành sẽ ưu tiên tự động hóa, giải quyết tình trạng thiếu lao động và theo dõi thời gian thực để tăng cường quản lý chuỗi cung ứng. Đặc biệt, tiềm năng từ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ là điều không thể phủ định, nhưng quá trình ứng dụng công nghệ trong hoạt động logistics cũng đòi hỏi phải tích hợp hợp lý với các giải pháp và cơ sở hạ tầng logistics hiện có.
Ngoài ra, chú trọng sự cân bằng “cán cân thương mại” của các vùng kinh tế (phát triển kinh tế tại địa phương/ vùng kinh tế theo hướng đảm bảo cân bằng giữa lượng hàng hóa “xuất khẩu” và “nhập khẩu” của địa phương/ vùng kinh tế đó) là giải pháp dài hạn cho việc giảm chi phí logistics, giúp tối ưu triệt để tình trạng container rỗng. Bởi lẽ, công nghệ giúp tối ưu chi phí logistics cũng không thể vượt qua rào cản vật lý - sự mất cân bằng “cán cân thương mại” tại nhiều địa phương, vùng kinh tế.
(Nguồn: Vietnam Report)