“Công chúa Huawei” bị bắt năm 2018 tại Canada theo yêu cầu của Mỹ. Vụ việc gây căng thẳng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Năm 2021, bà Mạnh đạt thỏa thuận với các công tố viên để hủy bỏ các cáo buộc chống lại bà vào ngày 1/12/2022, bốn năm kể từ ngày bị bắt.
Do không có thông tin về việc bà Mạnh vi phạm thỏa thuận, công tố viên tại Brooklyn - Carolyn Pokomy – đã viết thư cho Thẩm phán quận Ann Donelly, đề nghị “hủy bỏ bản cáo trạng thứ ba” trong vụ án đối với bà Mạnh.
Tuy nhiên, Huawei vẫn bị buộc tội trong vụ án đang chờ xét xử tại Tòa án quận Mỹ tại Brooklyn, New York. Ngày xét xử vẫn chưa được ấn định.
Theo Reuters, dù đây là động thái được dự báo trước, nó cũng khép lại một chương trong mối quan hệ đặc biệt căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời kéo theo Canada vào giữa đôi bên. Bà Mạnh bị cáo buộc gian lận ngân hàng và các tội danh khác, vì khiến ngân hàng HSBC hiểu lầm về việc kinh doanh tại Iran để có được các dịch vụ ngân hàng, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ.
Như một phần trong thỏa thuận hoãn truy tố, bà thừa nhận đã có các phát ngôn không đúng về việc kinh doanh tại Iran trong cuộc họp năm 2013 với một lãnh đạo ngân hàng. Trong khi đó, các cáo cuộc chống lại Huawei bao gồm gian lận ngân hàng, vi phạm lệnh trừng phạt, âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ các công ty công nghệ Mỹ, cản trở luật pháp. Huawei không nhận các tội danh nói trên.
Vì những cáo buộc như vậy, Huawei bị đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ, cấm doanh nghiệp Mỹ làm ăn với công ty. Mỹ còn phát động chiến dịch toàn cầu, cảnh báo Trung Quốc có thể sử dụng thiết bị của Huawei để theo dõi. Mới đây nhất, Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ ra lệnh cấm các thiết bị viễn thông mới từ Huawei.
Bà Mạnh hiện là Chủ tịch luân phiên Huawei, kiêm Giám đốc Tài chính.
(Theo Reuters)