Chị P. ở Kon Tum, công tác tại huyện có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ tháng 1/2017. Tháng 10/2022, chị P. được tuyển dụng vào làm công chức tại UBND huyện theo quyết định của Sở Nội vụ.
Tính đến tháng 7/2024, chị P. đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tại huyện được 7 năm 7 tháng (đóng BHXH bắt buộc tại các cơ quan: Trung tâm GDNN-GDTX, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng HĐND - UBND huyện).
Vậy trường hợp như chị P. được hưởng những loại phụ cấp nào?
Bộ Nội vụ cho biết, căn cứ theo Nghị định số 76/2019 về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, chị P. được hưởng đồng thời phụ cấp thu hút và phụ cấp công tác lâu năm.
Cụ thể, phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 5 năm (60 tháng).
Phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp hàng tháng tính theo mức lương cơ sở và thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo 3 mức dựa vào thời gian công tác.
Như trường hợp của chị P. thì được hưởng mức 0,5 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm.
Theo Nghị định số 76/2019, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được nêu rõ, bao gồm: huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1; các xã khu vực 3 thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo đặc biệt khó khăn theo quyết định của Chính phủ; các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp… đặc biệt khó khăn được Chính phủ quy định.
Đối tượng áp dụng theo Nghị định bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang.
Để nâng cao tính hiệu quả, thực chất của công tác thi đua – khen thưởng, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung các hình thức thưởng hiệu suất công việc bằng tiền và ngày nghỉ.
Bộ Nội vụ đề xuất ưu tiên hình thức xét tuyển. Đối với cơ quan có chỉ tiêu tuyển dụng ít thì phân cấp cho cơ quan tự tuyển dụng. Đối với cơ quan có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn, nên thuê tổ chức tuyển dụng độc lập.