So với các mô hình như “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”, mô hình công dân học tập (CDHT) ra đời muộn hơn và có nhiều điểm mới.
Chính vì vậy, để mô hình đi vào thực tiễn, mang lại hiệu ứng tích cực và phát triển bền vững, ngay khi có chủ trương xây dựng mô hình, hội khuyến học (HKH) các tỉnh đã chỉ đạo các hội cơ sở phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể gắn việc xây dựng mô hình CDHT với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở đơn vị, địa phương. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về nhiệm vụ học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập (XHHT).
Tuy nhiên, qua đánh giá của HKH các địa phương, việc xây dựng mô hình vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, nhận thức của một số người làm công tác khuyến học về các tiêu chí xây dựng CDHT vẫn chưa sâu sắc; việc chuyển tải thông tin về bộ tiêu chí đến với người dân, các điều kiện để đánh giá và tự đánh giá hoàn thành tiêu chí CDHT vẫn gặp khó khăn.
Đặc biệt, hiện nay chủ tịch HKH cấp phường, xã, thị trấn hầu hết là kiêm nhiệm, chưa dành nhiều thời gian, toàn tâm, toàn ý đối với công tác khuyến học, công tác xây dựng XHHT, trong đó có nhiệm vụ xây dựng mô hình CDHT dẫn đến kết quả mang lại chưa được như mong muốn.
Ngoài ra, một bộ phận người dân vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc học tập thường xuyên, năng lực tự đánh giá hoàn thành tiêu chí CDHT còn hạn chế, nhất là những lao động tự do. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào xây dựng CDHT ở các địa phương.
Theo quy định, để được công nhận CDHT, mỗi công dân phải bảo đảm các tiêu chí đó là: Có tinh thần tự học và học tập suốt đời; phải biết sử dụng công cụ học tập, làm việc và phải có năng lực xây dựng, thực hiện các mối quan hệ xã hội như kỹ năng thiết lập mối quan hệ thân thiện với mọi người, ứng xử văn hóa, kỹ năng hợp tác, chia sẻ và có ý thức bảo vệ môi trường...
Những tiêu chí này cho thấy, việc xây dựng mô hình CDHT đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định sự thay đổi về chất đối với các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” trong giai đoạn mới. Bởi, muốn xây dựng XHHT thì phải có CDHT; muốn xây dựng chính phủ số thì phải có công dân số.
Nói về điều này, GS.TS Phạm Tất Dong cho hay, khuyến học, khuyến tài được hiểu là những hoạt động vận động, khuyến khích người dân ở mọi độ tuổi học tập thường xuyên, học suốt đời để có tri thức mới, hình thành những kỹ năng mới giúp lao động hiệu quả hơn, cuộc sống văn minh, hạnh phúc hơn.
Nhiều người nghĩ rằng hoạt động khuyến học chỉ là vận động các phần thưởng, phần quà, các suất học bổng rồi trao cho học sinh. Nhưng đó mới chỉ là một phần hoạt động, không phải là mục tiêu của khuyến học, khuyến tài.
Mục tiêu của khuyến học, khuyến tài là thúc đẩy xây dựng cả nước ta trở thành một xã hội học tập, tức một xã hội mà ai cũng muốn học và phải học, từ trẻ em đến người lớn, ở mọi ngành nghề, xuất thân, điều kiện, dân tộc, giới tính,… Hay nói cách khác, "xây dựng cả nước thành một xã hội học tập" là mục tiêu chính, còn "khuyến học, khuyến tài" là phương tiện để đạt được mục tiêu đó.
Bởi lẽ kiến thức là vô tận, nhất là trong bối cảnh xã hội ngày nay thay đổi từng giờ, từng phút, còn rất nhiều kiến thức và kỹ năng người lớn chưa thể nắm vững hết được. Và để thích nghi, phát triển với môi trường hiện đại, bắt buộc người lớn phải học.
“Trong nhà máy, có thiết bị máy móc mới, công nghệ mới hoàn toàn, nếu không học thì công nhân đó sẽ bị đào thải. Hay như việc buôn bán ngày nay cũng là buôn bán trực tuyến qua điện thoại di động, rồi thanh toán bằng tài khoản ngân hàng, nếu không học thì doanh thu của người đó sẽ không khá lên được, thậm chí sụt giảm. Hay ngay cả việc giải trí bằng điện thoại, máy tính, truyền hình thông minh… Tất cả đều cần mỗi công dân đều phải học, học suốt đời.
Khi trong xã hội có sự phát triển của giáo dục điện tử và học tập trực tuyến, phương thức học mọi lúc mọi nơi được áp dụng. Việc học tập tại nhà cũng được thực hiện như một cách học cần thiết cho bất cứ ai đặt kế hoạch học tập suốt đời. Do vậy, đưa học tập về gia đình là một xu thế học tập tích cực trong giai đoạn chuyển đổi số.
Trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy việc tự động hóa sản xuất và hàng loạt hoạt động trong dịch vụ và kinh doanh bằng việc đưa các công nghệ trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, Robot 3D... đồng thời chương trình chuyển đổi số quốc gia đang gia tăng áp lực về hình thành và phát triển những năng lực số ở mọi người dân trong xã hội.
Vì thế, Bộ tiêu chí đánh giá công nhận người đạt danh hiệu “Công dân học tập” buộc phải gắn thêm những kỹ năng số”, GS.TS Nguyễn Tất Dong cho hay.