Hiện nay, có rất đông người Việt Nam định cư, làm việc trên lãnh thổ Liên Bang Nga. Họ chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Moskva, St.Petersburg, Yekaterinburg, Ufa, Ulyanovsk...

Những năm qua, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã trở thành một vấn đề cấp thiết. Cộng đồng người Việt tại Liên Bang Nga cũng không ngoại lệ.

Thời gian gần đây, nhất là trong năm 2023, để bảo vệ, gìn giữ và tôn vinh tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng người Việt Nam, cộng đồng người Việt ở Liên Bang Nga đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nhằm truyền cảm hứng học tập và nâng cao ý thức đối với việc giữ gìn, tôn vinh giá trị của tiếng Việt; góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong đời sống văn hoá, tinh thần của người Việt Nam tại nơi này.

ton-vinh-tieng-viet-1.jpg
Ngày hội Tiếng Việt tại Liên Bang Nga.

Điển hình như ngày 7/9, tại Đại học Tổng hợp quốc gia ngôn ngữ Moskva (MGLU), Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Bang Nga đã phối hợp với Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga và MGLU tổ chức Ngày hội tiếng Việt năm 2023 nhằm vinh danh và thúc đẩy hoạt động học tập tiếng Việt tại "xứ sở Bạch Dương".

Sự kiện được tổ chức nhân Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ngày 8/9 hằng năm. Tại đây, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi cho rằng, hợp tác kinh tế thương mại chặt chẽ giữa hai nước rất cần những người hiểu tiếng Việt khi mà Việt Nam có 100 triệu dân, Liên bang Nga có 145 triệu dân.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga cũng nhấn mạnh, Liên bang Nga có những học giả nghiên cứu rất giỏi về Việt Nam, giúp người dân Nga hiểu sâu về Việt Nam, do đó Ngày hội tiếng Việt tại Liên bang Nga là dịp khuyến khích các sinh viên học tiếng Việt, động viên, cổ vũ những nhà nghiên cứu tiếp tục các công trình nghiên cứu về Việt Nam, giúp hai dân tộc gần nhau hơn, cũng như duy trì và giảng dạy tiếng Việt cho con em cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga.

Còn Giám đốc Quỹ Truyền thống và Hữu nghị thúc đẩy hợp tác Nga-Việt, ông Nguyễn Quốc Hùng, cho rằng, việc tôn vinh tiếng Việt ở nước ngoài là hết sức quan trọng bởi điều này không chỉ góp phần gắn kết và duy trì ngôn ngữ tiếng Việt mà ngôn ngữ còn là chìa khóa cho mọi giao tiếp của con người, không chỉ giữa người Việt Nam tại Liên bang Nga mà cả cộng đồng người Việt trên toàn thế giới.

Quỹ Truyền thống và Hữu nghị mới đây đã tập trung vào một chuyên đề, đó là thành lập Quỹ Khai sáng. Mục đích của quỹ này là tập trung vào phát triển văn hóa, giáo dục, và đặc biệt là nhằm phát triển nghiên cứu về tiếng Việt.

Một trong những hoạt động được cộng đồng người Việt tại Liên Bang Nga tổ chức nhằm tôn vinh tiếng Việt nữa, đó là chương trình “Tiếng Việt vui” hè 2023. Đây là chuỗi hoạt động dạy và học tiếng Việt, sinh hoạt câu lạc bộ về văn hóa Việt cho con em người Việt ở xứ sở Bạch Dương nhằm khơi dậy niềm yêu thích, duy trì, nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ; giúp các em hiểu hơn về truyền thống, lịch sử đất nước; phát triển tình yêu quê hương, xây dựng lòng tự hào về nguồn gốc dân tộc. Chương trình này do Ban Học tập, Ban cán sự Đoàn của cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga tổ chức.

Chương trình "Tiếng Việt vui" hè 2023 thu hút nhiều em nhỏ tham gia sôi nổi. 

Sau 5 tuần, 35 giờ học với chủ đề đa dạng, nội dung phong phú, được soạn thảo, thiết kế riêng cho con em thế hệ thứ hai, thứ ba, có độ tuổi từ 6 - 12 tuổi, trong cộng đồng người Việt tại Nga, chương trình đã khép lại bằng lễ tổng kết vui tươi, ấm cúng. 

Tại lễ tổng kết chương trình, ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Bí thư Đảng ủy Việt Nam tại Liên bang Nga, khẳng định tầm quan trọng của việc gìn giữ nét đẹp văn hóa Việt ở nước ngoài. Ông Đăng cũng nhấn mạnh, du học sinh là nguồn lực lớn để phục vụ cho đất nước và bày tỏ mong muốn các sinh viên Việt Nam sẽ duy trì sinh hoạt, thường xuyên kết nối trong nhiều hoạt động.

Còn bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa, Bí thư thứ nhất phụ trách Bộ phận Giáo dục, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga chia sẻ, thành công của chương trình "Tiếng Việt vui"  một phần là nhờ sự quan tâm sâu sắc, đồng hành sát sao của phụ huynh trong việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ cho con em cộng đồng; một phần nữa là nhờ sự tâm huyết, nhiệt tình của các thành viên ban tổ chức. Bộ phận Giáo dục, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Bang Nga luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ chương trình phát triển. Đồng thời, bà Hoa cũng gợi ý về việc tiếp tục chương trình trong năm học và mở rộng ra nhiều thành phố tại đất nước này.

Cô Phùng Thị Đu, phụ huynh học sinh của chương trình chia sẻ, con trai cô luôn háo hức khi tham gia khóa học, bởi con cô không chỉ được học chữ mà còn được tìm hiểu, tiếp xúc với văn hóa Việt, được giao lưu với bạn bè bằng tiếng Việt. Về nhà, con chăm chỉ ôn bài, vui vẻ dạy lại cho em gái nhỏ và luôn mong ngóng được đến buổi học tiếp theo.

Cô Đu cũng cho biết thêm, hiện nhu cầu học tiếng Việt của con em kiều bào nơi cô đang sinh sống rất lớn. Có khoảng 50 học sinh muốn được tham gia chương trình "Tiếng Việt vui".

Ngoài các hoạt động trên, gần đây nhất, hưởng ứng 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Tổ hợp đa chức năng Hà Nội-Moskva (Incentra) ở Thủ đô Moskva, Ban Cán sự Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại Liên bang Nga kết hợp với Trung tâm Thần đồng Á-Âu đã tổ chức chương trình “Tri ân thầy cô” với mong muốn lan tỏa tinh thần "Uống nước, nhớ nguồn" tới các học sinh cũng như cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga, đồng thời thông qua các cuộc thi trong khuôn khổ sự kiện để khuyến khích tinh thần học tiếng Việt của con em người Việt Nam tại xứ sở Bạch Dương.

tieng-viet-1.webp
Ban Tổ chức tặng bằng khen cho các thầy, cô giáo tham gia giảng dạy tiếng Việt trong chương trình "Tiếng Việt vui". 

Tại chương trình, các ý kiến phát biểu của khách mời đã nêu bật vai trò thiêng liêng và dẫn dắt của người làm nghề dạy học, đồng thời bày tỏ mong muốn cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga, trong đó có người Việt ở Thủ đô Moskva, phối hợp với Ban Cán sự Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại Liên bang Nga sẽ nỗ lực mở thêm nhiều lớp dạy tiếng Việt, để không chỉ ngày càng gìn giữ được bản sắc tiếng Việt mà còn giúp các em có cơ hội trở thành những sứ giả góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam-Liên bang Nga.

Ngoài các bài bát và điệu múa ca ngợi đất nước, ngợi ca thầy cô do chính các em nhỏ Việt Nam thể hiện, chương trình cũng tổ chức cuộc thi viết về tiếng Việt: “Nét chữ nết người” và cuộc thi vẽ và cắt dán thủ công “Khéo tay hay làm”.

Sự tham gia đông đảo của các em nhỏ trong cuộc thi cho thấy ngày càng nhiều người Việt tại Liên bang Nga nhận thức rõ tầm quan trọng của việc dạy con em mình hiểu rõ và viết thạo tiếng Việt.

Cô Nguyễn Thúy Nga, giáo viên dạy bộ môn tiếng Việt của Trung tâm Thần đồng Á-Âu cho biết, hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc cho con em mình học tiếng Việt.

Hiện nay, vào các ngày cuối tuần, có khoảng 30 em đang theo học tiếng Việt tại Trung tâm, được chia làm hai nhóm tuổi, từ 6-8 tuổi và trên 9 tuổi.

Cô Nga nhấn mạnh, việc dạy tiếng Việt tại Liên bang Nga gặp không ít khó khăn do các em đã học tiếng Nga tại các trường phổ thông nên tư duy ngôn ngữ và cách phát âm đều khác tiếng Việt.

Từ đó, các giáo viên dạy tiếng Việt xác định cần kiên trì trong việc giảng dạy, phân tích sự khác nhau giữa tiếng Nga và tiếng Việt để các em phân biệt và hiểu được từng ngôn ngữ.

Với những hoạt động giúp khơi dậy việc học tiếng Việt cũng như giữ gìn và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở Liên bang Nga bước đầu đã phát huy hiệu quả. Kết quả này góp phần giữ gìn, củng cố và phát triển ngôn ngữ, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; đồng thời khơi dậy và phát huy tinh thần hướng về quê hương, đất nước, cũng như quảng bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở Liên bang Nga nói riêng và ở nước ngoài nói chung.

Văn Bắc và nhóm PV, BTV