Đầu cơ, môi giới “làm xiếc” giá nhà
Trong báo cáo phân tích cơ cấu giá thành, giá bán và nguyên nhân tăng giá bất động sản vừa gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, giá nhà ở, bất động sản hiện nay được cơ cấu bởi 7 nhóm chi phí từ tiền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; chi phí xây dựng dự án; hạ tầng kỹ thuật, xã hội, vốn vay đến chi phí bán hàng; lợi nhuận của nhà đầu tư và thuế, phí liên quan.
Các chi phí này chiếm tỷ trọng khác nhau đối với dự án nhà ở chung cư cao tầng và dự án nhà biệt thự, liền kề, cũng như quy mô, tính chất… của từng dự án.
Trên cơ sở phân tích chi tiết biến động của các nhóm chi phí này trong thời gian qua, cơ quan quản lý đánh giá, các chi phí đầu tư xây dựng, chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xã hội, chi phí vốn vay, bán hàng, quản lý của chủ đầu tư ít biến động hoặc biến động không đáng kể.
Chính sách thuế, phí liên quan đến kinh doanh bất động sản thời gian qua cũng không thay đổi. Nên những chi phí trên không phải là tác nhân khiến giá nhà tăng cao.
Bộ Xây dựng chỉ ra rằng có 4 nhóm nguyên nhân làm tăng giá bất động sản thời gian qua. Trong đó, một phần do biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai gần đây cũng như tác động khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới.
Với bảng giá đất mới sát giá thị trường, Bộ Xây dựng đánh giá, sẽ làm tăng chi phí liên quan đất đai như chi phí giải phóng mặt bằng, đền bù thu hồi đất, thuế phí liên quan đến đất đều tăng.
Bảng giá đất tăng có thể sẽ có tác động dây chuyền, kích hoạt mặt bằng giá bất động sản, nhà ở tăng lên 15-20% so với trước, theo tính toán của Bộ Xây dựng.
Ngoài ra, việc đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm sẽ có tác động làm tăng mặt bằng giá đất, giá bất động sản, nhà ở của khu vực và địa phương. Đồng thời, làm tăng chi phí triển khai thực hiện dự án nhà ở, gây khó khăn cho doanh nghiệp, giảm nguồn cung của thị trường, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân về việc thiếu nguồn cung bất động sản vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu đại bộ phận người dân. Sự biến động của nền kinh tế liên quan đến chứng khoán, trái phiếu, vàng… tác động đến tâm lý của người dân, nhà đầu tư dẫn đến xu hướng dịch chuyển dòng tiền sang đầu tư nhà đất làm nơi “trú ẩn” an toàn.
Một nguyên nhân nữa được cơ quan quản lý chỉ ra là hiện tượng “tạo giá ảo”, “thổi giá” của giới đầu cơ, môi giới bất động sản để trục lợi.
Chiêu bài thổi giá được thực hiện thông qua mức “tiền chênh” mà khách hàng phải trả ngoài hợp đồng ở các dự án có ít sản phẩm mà nhiều khách hàng quan tâm nhất.
Thời gian vừa qua, khi nguồn cung bất động sản hạn chế, chiêu bài này càng trở nên phổ biến. Ngay cả ở các dự án nhà ở xã hội cũng xuất hiện việc rao bán “tiền chênh” lên đến hàng trăm triệu đồng.
Theo Bộ Xây dựng, số tiền chênh này không cố định mà tuỳ thuộc vào sức nóng của thị trường, của dự án và thoả thuận của bên môi giới với khách hàng, có thể lên tới 20% hoặc chỉ 0%.
Dẫn chứng từ một dự án nhà ở thấp tầng ở Hưng Yên, Bộ Xây dựng cho biết, các căn nhà bán ra khoảng 7-8 tỷ đồng/căn thì khách hàng phải trả tiền chênh trung bình khoảng 750 triệu đồng, tương đương 10%. Nhưng khi dự án hạ nhiệt thì tiền chênh cũng giảm xuống khoảng 250 triệu đồng. Thậm chí nhiều sàn chấp nhận bán không có tiền chênh.
Không chỉ ở các dự án mới mở bán, trên thị trường thứ cấp cũng bị đẩy giá từ tiền chênh.
“Thông thường, bên bán phải chi 1% giá bán cho bên môi giới. Tuy nhiên, khi thị trường sốt nóng, môi giới thường cộng thêm tiền chênh để giao dịch với khách. Một chung cư giá bán khoảng 5 tỷ đồng, môi giới có thể “gửi giá” 200-300 triệu đồng (tương đương 5%). Một căn liền kề giá khoảng 10 tỷ đồng, môi giới có thể gửi giá khoảng 500 triệu đồng (tương đương 5% giá bán)”, Bộ Xây dựng cho biết.
Đặc biệt, Bộ còn nêu ra chiêu bài “đặt cọc” của môi giới trong giai đoạn sốt nóng để mua nhà đất rồi tăng giá 10-15% và giao bán cho người khác. Như căn hộ chung cư có giá bán 5 tỷ, môi giới đặt cọc 1 tỷ để mua và thoả thuận thanh toán trong 1 tháng. Trong vòng 1 tháng này, môi mới sẽ kiếm khách để bán chênh thành 6-7 tỷ khiến giá nhà “nhảy múa” tăng lên 1-2 tỷ đồng chỉ trong vòng 1 tháng.
Cách nào kéo giảm giá nhà?
Giá nhà tại Hà Nội, TPHCM tăng cao, thậm chí một số khu vực ghi nhận giá cao bất thường, bỏ xa mặt bằng thu nhập số đông người dân đã kéo dài thời gian qua khiến giấc mơ an cư của nhiều người dân càng trở nên xa vời.
Trong khi đó, báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, nguồn cung nhà ở của cả nước đang sụt giảm nghiêm trọng, Trong quý II/2024 chỉ có 9 dự án nhà ở hoàn thành, với quy mô khoảng 6.000 căn chung cư, nhà riêng lẻ, liền kề đưa vào sử dụng. Và nếu tính chung nửa đầu năm nay thì nguồn cung nhà ở hoàn thành chỉ đạt khoảng 9.000 căn chung cư, nhà ở riêng lẻ, liền kề. Số dự án nhà ở được cấp phép xây dựng mới có quy mô vỏn vẹn khoảng 20.000 căn.
Tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở, đất nền tại Hà Nội từ cuối năm 2023 đến nay đã đẩy giá nhà tăng chóng mặt.
Để kéo giảm giá nhà, Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục, pháp lý, tăng nguồn cung thị trường, thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, bền vững. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật liên quan lĩnh vực bất động sản mới được ban hành.
Bên cạnh đó, chấn chỉnh công tác đấu giá đất, hoàn thiện quy định về đấu giá đất theo hướng tăng tiền đặt cọc, xác định giá khởi điểm sát thực tế, rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá, hạn chế người đấu giá với mục đích đầu cơ.
Nghiên cứu, đề xuất chính sách thuế với người sở hữu nhiều nhà, đất để hạn chế đầu cơ.
Đồng thời, có giải pháp, biện pháp hạn chế tác động tiêu cực từ việc ban hành bảng giá đất mới theo Luật Đất đai 2024.
Bộ cũng đề xuất, thí điểm mô hình trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản, sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới.