Tiềm năng thị trường
Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia dự đoán, trí tuệ nhân tạo, mà cụ thể là trợ lý giọng nói sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam vào năm 2025 - 2030, bởi giọng nói được xem là công cụ giao tiếp hiệu quả nhất giữa con người và máy móc, và đã phổ cập ở các nước phương Tây từ thập kỷ trước.
Theo ông Nguyễn Minh Tú - Giám đốc công nghệ Zalo, trong thời gian tới, thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng sẽ dần dịch chuyển theo hướng giảm đi việc dùng sức lao động của con người, tăng các ứng dụng dùng máy, tăng năng suất lao động thông qua trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam là thị trường rất tiềm năng để phát triển trí tuệ nhân tạo bởi một số yếu tố cơ bản như:
Thứ nhất, về mặt vĩ mô, AI là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0. Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, đồng thời đặt mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong top 5 nước dẫn đầu khu vực ASEAN, nhóm 60 nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.
Thứ hai, người dùng Việt rất quan tâm và đón nhận các sản phẩm AI đi vào đời sống.
Thứ ba, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về con người. Đội ngũ kỹ sư AI trẻ trung, có nền tảng giáo dục tốt, do Internet sớm phủ sóng rộng rãi, người trẻ Việt có cơ hội được tiếp cận nguồn kiến thức từ những nơi tốt nhất trên thế giới.
Thứ tư, chúng ta tận dụng tốt lợi thế của người đi sau để phát triển sản phẩm tốt nhất cho người dùng Việt. Vì là người Việt nên các công ty công nghệ Việt Nam thấu hiểu thị trường nội địa và khai thác tốt các yếu tố bản địa, văn hóa vùng miền để gia tăng lợi thế cạnh tranh với các tập đoàn trên thế giới.
Phải sẵn sàng cuộc đua
Một nghiên cứu của EDBI và Kearney mô tả cách mà công nghệ AI đã và đang được triển khai trong nhiều ngành công nghiệp đa dạng tại Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Theo ước tính của EBDI, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực có thể tăng thêm 1.000 tỷ USD nếu AI được đầu tư đầy đủ và triển khai tốt.
Theo Tiến sĩ Sơn Phạm - Giám đốc điều hành BioTuring, đứng trước công cuộc cạnh tranh toàn cầu hóa, một công ty công nghệ, hay có ứng dụng công nghệ, nếu muốn phát triển, sẽ phải liên tục đặt ra vấn đề và cải tiến với câu hỏi: việc nào con người làm tốt hơn và những việc nào máy làm tốt hơn?
“Có những bài toán tưởng như không thể giải quyết được với sự thực hiện của con người thì đã được giải quyết nhờ AI”, ông Sơn cho biết.
Kiki - dấu ấn người Việt trên thị trường AI
Trên hành trình trí tuệ nhân tạo đi vào đời sống, “không chạm” là từ khóa “nóng sốt” được tất cả các ngành nghề chú trọng. Ngành ô tô cũng không ngoại lê.
Nhờ áp dụng công nghệ trợ lý giọng nói, ngành công nghiệp ô tô đã có những bước nhảy vọt đột phá, mang đến trải nghiệm phong phú cho người dùng. Theo số liệu từ Automotiveworld.com, trong 5 năm tới các nước châu Á - Thái Bình Dương có doanh số ôtô tích hợp sẵn trợ lý giọng nói tăng rất nhanh và có thể đạt hơn 50 triệu chiếc vào năm 2028.
FutureBridge, công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Ấn Độ cho biết, chủ sở hữu ôtô có xu hướng thích những trợ lý phổ biến và gần gũi thay vì của các hãng xe phát triển riêng.
Không nằm ngoài xu hướng, tại Việt Nam, thị trường ô tô cũng ghi nhận dấu ấn mạnh mẽ trong kỷ nguyên công nghệ giọng nói. Một trong những trợ lý giọng nói trên xe ô tô phát triển thành công nhất trên thị trường hiện nay có thể kể đến là Kiki.
Mới đây, trợ lý giọng nói tiếng Việt này đã cán mốc 200.000 ngàn lượt cài đặt và sử dụng trên xe ô tô. Từ cuối tháng 8/2022 đến tháng 12/2022, chỉ trong vòng hơn 3 tháng, Kiki đã có sự tăng trưởng rất nhanh từ cột mốc 100.000 lượt cài đặt lên tới 200.000 lượt cài đặt.
Đây là một con số rất ấn tượng, cho thấy sự đón nhận của người Việt với công nghệ điều khiển bằng giọng nói do chính người Việt nghiên cứu và phát triển. Đồng thời chỉ ra rằng, nhu cầu sử dụng tiện ích giải trí và thực hiện các tác vụ thông qua câu lệnh giọng nói là rất lớn.
Kiki đã đánh dấu bước chuyển mình của trí tuệ nhân tạo Việt Nam khi ứng dụng thành công AI, thu hẹp khoảng cách từ ý tưởng nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đến trải nghiệm thực tế.
Chị Nguyễn Khánh Hà (28 tuổi, ngụ tại TP.HCM) cho biết, trước đây, mỗi khi di chuyển chị phải dùng điện thoại tìm kiếm bản đồ, điều này khá nguy hiểm trong lúc lái xe, tuy nhiên từ ngày có trợ lý giọng nói thì chỉ cần nói ra địa chỉ là bản đồ được hiện lên.
Không chỉ người dùng được hưởng lợi lớn với những trải nghiệm ưu việt, việc tích hợp trợ lý giọng nói trên xe ô tô cũng giúp các hãng xe, hãng màn hình thông minh gia tăng tính cạnh tranh.
Tại Việt Nam, đã có hơn 18 hãng màn hình thông minh tích hợp trợ lý giọng nói Kiki lên sản phẩm của mình. Thực tế cho thấy, doanh số các hãng màn hình tăng trưởng đáng kể sau khi tích hợp thành công trợ lý Kiki. Trợ lý giọng nói này đã mang đến “lợi kép” cho cả người dùng lẫn doanh nghiệp.
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của thị trường AI thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, tiềm năng, dư địa để đưa sản phẩm AI vào đời sống thực tiễn là rất dồi dào. Chính các doanh nghiệp Việt và sản phẩm phát triển riêng dành cho người Việt là động lực thúc đẩy sự phát triển và mang đến bước tiến vững chắc cho ngành AI Việt Nam.