Tại Hội nghị An toàn và Khai thác hàng không thế giới 2023 do Bộ GTVT và Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) tổ chức từ ngày 19-21/9, ông Willie Walsh, Tổng Giám đốc IATA chia sẻ: “An toàn là ưu tiên hàng đầu của ngành hàng không”.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều sân bay lớn ở Châu Á- Thái Bình Dương đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng dẫn đến nhiều hệ luỵ: Các hãng hàng không gặp khó khăn trong việc tăng công suất phục vụ hành khách, tăng tỷ lệ trễ chuyến, tăng chi phí cho các hãng hàng không và hành khách.
Tại Việt Nam, 2 sân bay chính (sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất) cũng thường xuyên rơi vào quá tải trong những mùa cao điểm.
Những giải pháp then chốt giải quyết tình trạng tắc nghẽn đầu cuối, các chuyên gia cho rằng có thể kể đến như tự động hóa, công nghệ sinh trắc học, dịch vụ tự phục vụ trực tuyến,...
Theo đó, các hãng hàng không và các sân bay cần có sự hợp tác cao hơn. Trong đó có việc chia sẻ dữ liệu đa chức năng theo thời gian thực và sự sẵn sàng chia sẻ dữ liệu trong và giữa các tổ chức cũng là chìa khóa để giảm thiểu những thách thức vận hành.
Chia sẻ thêm về việc cần có sự hợp tác trong đó chú trọng vấn đề áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hàng không, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Việt Nam Airlines (VNA) lấy ví dụ tại hãng.
Cụ thể, có những thời điểm thiếu các linh kiện thay thế khiến VNA rơi vào tình thế khó khăn, một số linh kiện để sản xuất ra nó phải mất từ một năm trở lên.
Điều này dẫn đến việc các máy bay phải “nằm chờ” được sửa chữa vì máy bay không thể bay nếu không có động cơ. Nhưng thực tế VNA còn rất nhiều động cơ trong xưởng mà không có ngày hoàn thành sửa chữa chính xác, thời gian sửa chữa của xưởng nay đã tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba.
Bên cạnh đó, VNA cũng có một danh sách dài các động cơ chờ được sửa chữa. Việc tìm kiếm nguồn cho thuê động cơ với giá hợp lý hiện nay dường như cũng không thể. Đó là lý do VNA không thể tận dụng hết số máy bay mà hãng đang có.
Nguyên nhân của tình trạng này, đại diện VNA cho rằng do cách quản lý hàng tồn kho chưa tốt; thiếu lao động; logistics bị gián đoạn; siêu lạm phát; sự độc quyền mạnh mẽ hơn trong ngành hàng không…
“Máy móc là vấn đề quan trọng trong ngành hàng không. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là phải thực hiện được dự báo. Nếu chúng ta có mô hình dự báo tốt thì có thông tin chính xác.
Theo đó, cần phải nâng cao năng lực dự báo nhu cầu. Bởi dự báo nhu cầu chính xác rất quan trọng để ngăn chặn tình trạng hết hàng hoặc tồn kho quá mức. Ngành hàng không trải qua những biến động về nhu cầu do nhiều yếu tố như tính thời vụ, việc mở rộng đội bay hoặc nghỉ hưu cũng như các sự kiện bất ngờ như Covid-19….
Triển khai các mô hình dự báo mạnh mẽ và sử dụng dữ liệu thời gian thực có thể giúp cải thiện độ chính xác. Điều này đòi hỏi việc thu thập thông tin chính xác từ các hãng hàng không một cách hợp lý.
Vì vậy, điều quan trọng phải có sự can thiệp đối với các hãng hàng không, nhà cung cấp, MRO và nhà sản xuất trong việc nhập thông tin. Nâng cao khả năng hiển thị thông qua các công nghệ như IoT, Blockchain và phân tích dữ liệu có thể cải thiện sự hợp tác và cho phép giải quyết vấn đề một cách chủ động”, ông Hà nhấn mạnh.
Các chuyên gia đánh giá trong những năm tới, cơ hội đổi mới và tăng trưởng của ngành hàng không đã chín muồi. Theo đó, sự chuyển đổi của ngành sang số hóa, bao gồm phân tích dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), ra quyết định dựa trên dữ liệu và trải nghiệm hành khách được cá nhân hóa là một cơ hội lớn.
Do đó, đại diện IATA khuyến cáo, các hãng hàng không cần khai thác dữ liệu để tối ưu hóa các tuyến đường, tăng hiệu quả hoạt động và nâng cao hành trình của khách hàng có thể đạt được lợi thế cạnh tranh.
Đồng thời áp dụng CNTT nhằm nâng cao trải nghiệm của hành khách. Nhu cầu cải thiện trải nghiệm của hành khách ngày càng tăng, từ chỗ ngồi thoải mái hơn, dịch vụ giải trí trên chuyến bay tốt hơn đến quy trình đặt chỗ và làm thủ tục hợp lý.
“Các hãng hàng không tập trung vào việc tạo ra một hành trình thú vị và thuận tiện hơn cho du khách đã có cơ hội nổi bật. Đặc biệt, cần tận dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) bằng cách các hãng hàng không có thể cung cấp trải nghiệm du lịch được cá nhân hóa phù hợp với sở thích cá nhân, từ lựa chọn chỗ ngồi đến lựa chọn bữa ăn trên chuyến bay”, đại diện IATA khuyến cáo.