Tại hội thảo khoa học “Đội ngũ Doanh nhân với xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới” do Liên đoàn Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hôm 17/12, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Hà Nội – Phó chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam – Chủ tịch Tập đoàn N&G đã đưa ra nhiều đề xuất kiến nghị cần thiết cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển và đóng góp vào mục tiêu 2045 mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra.
Việt Nam mới chỉ có 0,2% doanh nghiệp CNHT
Hàng năm nước ta đang phải nhập khẩu hàng ngàn linh phụ kiện phục vụ cho các ngành công nghiệp lên tới hàng chục tỷ USD/năm. Ước mỗi năm, kim ngạch nhập khẩu các linh phụ kiện các ngành (ô tô, điện tử, nông ngư nghiệp, cơ khí khác....) lên tới gần 3 con số tỷ UDS, trong đó, riêng ngành điện tử và ô tô đã lên tới 50-60 tỷ USD/năm. Đây là con số khổng lồ về nhu cầu các sản phẩm CNHT của nền kinh tế, đồng nghĩa cũng là một thị trường hấp dẫn và đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp CNHT Việt Nam cố gắng vươn lên để có thể chiếm lĩnh được thị phần.
Tuy nhiên, những năm qua, thị trường này vẫn còn “bỏ ngỏ” vì sự thiếu hụt sản phẩm CNHT cũng như thiếu các doanh nghiệp Việt có năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực này.
Ước tính, tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm CNHT của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa cao, cụ thể như: Chế tạo ô tô mới đạt khoảng 5-20%; Điện tử: khoảng 5-10%; Da giầy: khoảng 30%; Dệt may: khoảng 30%; CNHT cho công nghệ cao 1-2%: Cơ khí chế tạo khác: khoảng 15-20%
Đặc biệt, Việt Nam chỉ có khoảng 0,2% trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia vào sản xuất chế tạo trong ngành CNHT. Đây thực sự là con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng doanh nghiệp CNHT tại một số nước ngay trong khối ASEAN.
Trong khi đó, cơ hội lần thứ nhất để phát triển CNHT của Việt Nam đã trôi qua kể từ khi Việt Nam có chính sách đổi mới mở cửa thu hút các doanh nghiệp FDI (đặc biệt là các doanh nghiệp tập đoàn lớn của nước ngoài đã vào Việt Nam đầu tư: Toyota, Honda, Ford, Intel, Panasonic,...). Thời điểm này, chúng ta chưa hoàn thiện đầy đủ chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất các linh kiện phụ trợ cho các tập đoàn doanh nghiệp FDI, mặt khác cũng chưa có đủ các cơ chế để khuyến khích và thậm chí phải có định chế để ràng buộc các doanh nghiệp tập đoàn này phải nội địa hóa các sản phẩm linh phụ kiện cho sản phẩm của họ được sản xuất tại Việt Nam.
Về phía các doanh nghiệp FDI, việc hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất cung ứng linh phụ kiện cho doanh nghiệp FDI rất hạn chế. Điển hình là Samsung đã công bố nhu cầu hàng trăm sản phẩm, Toyota và các Tập đoàn khác quốc tế và trong nước công bố hàng trăm linh phụ kiện cần nhưng các doanh nghiệp CNHT Việt Nam không thể đáp ứng được.
Một lý do khách quan khác là các tập đoàn này có chuỗi cung ứng toàn cầu với các vệ tinh là chính các doanh nghiệp tại chính quốc gia của họ.
Không để tuột cơ hội lần hai
Đứng trước bối cảnh này, doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực vươn lên để dành lấy thị trường. Bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, sự chuyển dịch của nhiều nhà sản xuất từ nước ngoài vào Việt Nam cùng với các mục tiêu lớn mà Đại hội Đảng XIII đã ban hành chính là cơ hội lần 2 để các doanh nghiệp Việt bứt phá, xây dựng nền công nghiệp tự chủ tự cường.
Bên cạnh nội lực chủ động của từng doanh nghiệp, không thể không nói đến vai trò của các trung tâm hỗ trợ công nghiệp, các hội và hiệp hội. Đây chính là cầu nối để giúp cho các doanh nghiệp CNHT tiếp cận được thị trường, gặp gỡ các doanh nghiệp đầu chuỗi, thực hiện cải tiến sản xuất, giảm được chi phí, giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh,
Hiện, Hiệp hội CNHT Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT Hà Nội có khoảng gần 500 doanh nghiệp, định hướng phát triển lên khoảng 3.000-5.000 doanh nghiệp hội viên vào năm 2025 tầm nhìn 2030. Trong đó, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT Hà Nội đã có nhiều chương trình, sáng kiến để thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đơn cử như câu chuyện đầu tư cơ sở hạ tầng KCN chuyên sâu ngành CNHT là vấn đề thiết yếu, phục vụ hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp sản xuất CNHT.
Thời gian qua, Tập đoàn N&G (Việt Nam) là một trong các đơn vị tiên phong trong việc đầu tư phát triển các KCN chuyên sâu ngành CNHT, hiện đã đầu tư KCN hỗ trợ Nam Hà Nội. Đây là khu công nghiệp chuyên sâu ngành CNHT đầu tiên trên cả nước.
Qui mô tổng các giai đoạn lên tới 581ha tại Hà Nội, thời gian qua đã thu hút hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và FDI vào đầu tư và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu tại giai đoạn 1 qui mô 90ha và đang chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 trong năm 2024. Tất cả các KCN chuyên sâu ngành CNHT và CNHT cho công nghệ cao đều được N&G Group phát triển tại 3 miền đất nước và gắn chặt với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Điều này được coi là giấy thông hành để doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp ngành CNHT tham gia sâu rộng chuỗi sản xuất toàn cầu.
Để phát triển ngành CNHT Việt Nam, Chủ tịch HANSIBA, ông Nguyễn Hoàng đã kiến nghị loạt giải pháp đồng bộ bao gồm:
- Chính phủ cần sớm xây dựng và ban hành Luật về phát triển CNHT. Trước mắt, cần ban hành Nghị quyết về chính sách thí điểm cho doanh nghiệp ngành CNHT Việt Nam.
- Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp thuộc ngành CNHT, quyết tâm đến năm 2025 tầm nhìn 2030 đạt tỷ trọng 5%-10% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam và đặt mục tiêu đến 2045, doanh nghiệp Việt Nam ngành CNHT góp phần xây dựng vào đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao.
- Cần quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế (Bắc – Trung – Nam) để phát triển các ngành CNHT, tránh tình trạng “nhà nhà” phát triển – “ Tỉnh tỉnh – Thành phố” phát triển CNHT để hạn chế tối đa lãng phí nguồn lực của đất nước và cạnh tranh không cần thiết. Phải làm rõ vùng nào sản xuất linh kiện cho ngành gì như ô tô – điện tử – công nghiệp đóng tàu – nông ngư nghiệp – da giầy – dệt may.....
- Cần có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn (lãi suất và thời gian vay, hạn mức vay, tài sản thế chấp...) vì theo các quy định về điều kiện vay vốn (tài sản đảm bảo tiền vay, vốn đối ứng của chủ đầu tư, lãi suất vay, thời gian vay...) vẫn còn trở ngại đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT. Đề nghị giao nhiệm vụ cho Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) là đơn vị đầu mối chủ đạo để tài trợ vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp CNHT Việt Nam.
- Nhà nước cần có quy hoạch hình thành một số khu công nghiệp chuyên sâu tại 3 miền Bắc – Trung - Nam, hỗ trợ đào tạo lao động chất lượng cao, hỗ trợ công nghệ khi nhập khẩu các thiết bị cũ đã qua sử dụng nhưng phù hợp với chuẩn mực quốc tế và Việt Nam, trực tiếp dẫn dắt các doanh nghiệp CNHT tham gia sản xuất.
- Cho phép các doanh nghiệp tư nhân thuộc ngành CNHT và CNHT cho công nghệ cao được tiếp cận vay vốn ODA để đầu tư mua thiết bị, máy móc, công nghệ của nước ngoài.
- Kết nối các tập đoàn lớn quốc tế đang có mặt tại Việt Nam với doanh nghiệp CNHT, thúc đẩy và “kèm cặp” để các doanh nghiệp FDI này cũng đặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất linh phụ kiện cấp cho họ để từ đó các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp len chân được vào chuỗi sản xuất CNHT.
- Cần có chính sách ưu đãi cụ thể khuyến khích các thanh niên Việt Nam đã học tập, làm việc tại các công ty, các quốc gia có nền CNHT phát triển để họ khởi nghiệp trở thành các doanh nhân – doanh nghiệp CNHT 100% Việt Nam.
Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không tự đổi mới, sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế và không kịp thời thì chúng ta sẽ có thể một lần nữa lỡ cơ hội hình thành một nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, khi Việt Nam tròn 100 tuổi.
Băng Dương (ghi)