Để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp lớn thế giới, một số doanh nghiệp Việt đã kiên trì cải tiến, chấp nhận chịu lỗ để rút dần khoảng cách với doanh nghiệp nước ngoài.

Thành quả từ nỗ lực liên tục cải tiến

Công ty cổ phần Công Nghệ Bắc Việt - một nhà cung ứng linh phụ kiện cho Samsung Việt Nam - vừa kết thúc 3 tháng tham gia quá trình tư vấn hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam với kết quả khả quan. Đây là dự án được Samsung Việt Nam thực hiện với 6 doanh nghiệp Việt Nam nhằm tư vấn cải tiến quy trình sản xuất để có thể trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho thương hiệu toàn cầu này.

12 tuần tham gia chương trình tư vấn đã mang tới cho Bắc Việt những kết quả cải tiến đáng kể từ việc sản xuất, chất lượng sản phẩm cũng như việc quản lý tồn kho. Theo đó tỷ lệ tồn kho giảm ở mức 37% trong tháng 8 xuống còn 24% trong tháng 11. Dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Samsung, Bắc Việt cũng đã xây dựng thành công hệ thống cải tiến lỗi mãn tính, giúp đo lường và phân tích lỗi để kịp thời lập phương án cải tiến và đối sách phòng ngừa. Tỷ lệ lỗi PQC theo đó giảm tới 63% sau quá trình cải tiến.

Chia sẻ suy nghĩ sau quá trình hợp tác với Samsung Việt Nam, ông Trần Anh Vương, Chủ tịch Bắc Việt Group cho biết: “Tham gia chương trình tư vấn của Samsung lần này là cơ hội tốt cho Bắc Việt và cho các doanh nghiệp Việt Nam đang sản xuất linh kiện để có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh, tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của tập đoàn lớn, vươn lên trở thành nhà cung cấp cấp 1”.

{keywords}

Đánh giá về kết quả từ quá trình huấn luyện này, ông Shim WonHwan, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam nhận xét: “Tôi đã thấy sự đồng lòng đoàn kết của tất cả nhân viên Bắc Việt trong nỗ lực cải tiến sản xuất. Điều quan trọng trong cải tiến là hình thành suy nghĩ cần phải cải tiến. Cải tiến có thể bắt đầu từ hoạt động bình thường trong các thao tác của người công nhân và họ cũng chính là người đề xuất phương pháp cải tiến đơn giản và phù hợp nhất. Để làm được như vậy, tôi tin là từ lãnh đạo CEO công ty đã quyết tâm và quan trọng hơn là sẵn lòng trao quyền cho nhân viên của mình để họ tạo ra kết quả như vậy. Cải tiến là hoạt động liên tục cần không ngừng nghỉ để ngày càng đi lên trong thị trường khu vực và các thị trường khác”.

Samsung Việt Nam cũng cho biết, cùng với việc hoàn thành chương trình tư vấn cải tiến cho 12 doanh nghiệp Việt tiềm năng, cũng trong năm 2017, Samsung đạt mục tiêu tăng số doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 lên tổng số 29 doanh nghiệp.

Chiến lược dài hơi cần được tiếp sức

Trở thành nhà cung ứng cho các doanh nghiệp lớn là chiến lược đã được Ban giám đốc Bắc Việt xác định ngay từ những ngày đầu xây dựng nhà máy tại Bắc Ninh cách đây hơn 6 năm. Ở những ngày đầu đi vào hoạt động, Bắc Việt không kiếm nổi khách hàng.

“Chúng tôi mất đến 9 tháng chỉ để các anh chị em hàng ngày đến lau chùi máy móc, thiết bị để đón tiếp đại diện các đối tác. Canon chính thức là khách hàng đầu tiên của chúng tôi từ năm 2012”, ông Trần Quang Huy, Phó giám đốc kỹ thuật, Công ty Cổ phần Công Nghệ Bắc Việt cho biết.

Thế nhưng, có được khách hàng cũng chưa hẳn doanh nghiệp đã qua được những ngày tháng gian khó. Bởi lẽ, để một nhà máy sản xuất công nghiệp phụ trợ có thể hoạt động được cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Tổng số vốn Bắc Việt đổ vào nhà máy ở thời điểm năm 2012 là khoảng 120 tỷ đồng.

Sau đó, doanh nghiệp này vừa chạy đơn hàng của Canon và một số khách hàng khác vừa chịu lỗ liên tục trong 5 năm sau. “Chúng tôi lỗ đau đớn nhưng vẫn kiên trì với ngành này bởi chúng tôi nhìn thấy tương lai phát triển bền vững từ công nghiệp phụ trợ. Đến nay, doanh nghiệp đã hết lỗ và hoạt động dần ổn định, chúng tôi tin mình đã đi đúng hướng”, ông Trần Anh Vương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bắc Việt Group cho biết.

{keywords}

Hiện nay, bên cạnh việc cung ứng linh phụ kiện cho Canon, Bắc Việt còn là nhà cung ứng cấp 2 của Samsung Electronics Việt Nam (SEV) và Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) trong lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu chính xác và linh kiện nhựa điện tử. Đáng chú ý, nguồn cung sản phẩm cho Samsung chiếm từ 40-45% tổng doanh thu của Bắc Việt; con số này từ Canon là 35% và khoảng hơn 20% còn lại cho các doanh nghiệp khác.

Vẫn duy trì quyết tâm và chiến lược làm nhà cung ứng trong công nghiệp phụ trợ song các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này vẫn mong được tạo điều kiện kinh doanh công bằng và hỗ trợ hơn.

Ông Trần Quang Huy cho biết, hiện doanh nghiệp vẫn gặp một số khó khăn về chính sách thuế cho lĩnh vực này. “Trước hết, chúng tôi cần công bằng về chính sách thuế. Thực tế, chúng tôi nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất linh phụ kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài để họ xuất khẩu hàng hoá. Tuy nhiên, nguyên phụ liệu nhập khẩu của chúng tôi không được hoàn thuế nhập khẩu theo quy định về hoàn thuế với hàng sản xuất để xuất khẩu. Đây là điểm bất hợp lý hiện nay”, ông Huy nói.

“Ngoài ra, chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp phụ trợ ở giai đoạn đầu sản xuất kinh doanh thực sự không có ý nghĩa. Thực tế, doanh nghiệp phụ trợ luôn phải chịu lỗ khá lớn trong những năm đầu nên làm gì có lợi nhuận để mà miễn giảm thuế. Do đó, cần ưu đãi thuế ở giai đoạn 5 năm sau thì doanh nghiệp mới thực sự được hưởng lợi và thêm động lực phấn đấu”.

Thúy Ngà