Hai nhóm dự án đạt kết quả tốt: Ô tô và dệt may
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, từng bước chuyển dịch theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế tạo động lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ cơ khí ô tô, dệt may, da giày. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng bình quân hằng năm gần 10% (giai đoạn 2016-2020). Các sản phẩm ngành công nghiệp khẳng định được chất lượng và thương hiệu như: Ô tô, sản phẩm điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giày… đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nhà máy ô tô Madaz của Thaco tại Quảng Nam |
Một số các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghiệp ở vùng Đông Nam của tỉnh đã được triển khai thực hiện.
Theo Sở Công Thương Quảng Nam, tỉnh có 2 nhóm dự án đang triển khai thực hiện đạt kết quả tốt: Nhóm dự án công nghiệp dệt may và hỗ trợ ngành dệt may gắn với phát triển đô thị Tam Kỳ; nhóm dự án công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô. Có 02 nhóm dự án đang xúc tiến đầu tư và lập thủ tục chuẩn bị đầu tư: Nhóm dự án Khí - Điện và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng, sản phẩm sau khí; nhóm dự án phát triển công nghiệp và dịch vụ gắn với sân bay chu lai.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn ít, chủ yếu là gia công sản phẩm, quy mô sản xuất nhỏ,lẻ, công nghệ, máy mócsản xuất lạc hậu,... việc tiếp cận Chương trình, Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ còn khó khăn, hạn chế;
Việc triển khai, vận dụng các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ; Thông tư số 55/2015/TT-BCT ngày 30/12/2015 của Bộ Công Thương đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn bất cập, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận chính sách ưu đãi của Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ.
Mục tiêu lớn năm 2030
Trong giai đoạn tới tỉnh Quảng Nam đã đặt ra các mục tiêu phát triển lớn.
Bức tranh ngành công nghiệp tại Quảng Nam: Mạnh về ô tô nhưng chưa đủ |
Kế hoạch số 5050/KH-UBND ngày 10/9/2018 của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện Chương trình số 16-CTr/TU ngày 28 tháng 6 năm 2018 của Tỉnh ủy Quảng Nam về việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, Quảng Nam là tỉnh phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có sức mạnh trong và ngoài nước, ít ô nhiễm môi trường và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp đạt khoảng 44% trong cơ cấu GRDP, trong đó tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 35%
Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp giai đoạn 2018-2025 đạt bình quân 15%/năm, giai đoạn 2026-2030 đạt bình quân 13,5%/năm.
Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp đến năm 2025 chiếm 33% và 40% vào năm 2030 trong tổng số lao động của các ngành kinh tế.
Hoàn thiện và khai thác hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong các ngành công nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp công nghiệp trong tỉnh có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Tỉnh đã đưa ra hệ thống giải pháp đồng bộ, bao gồm:
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp dịch vụ, phát triển công nghiệp theo chiều sâu nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, bền vững. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo với hàm lượng khoa học công nghệ cao. Khuyến khích các ngành công nghiệp sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, tạo giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Phát triển công nghiệp gắn với thực hiện tốt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.
Triển khai thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Lấy công nghiệp và dịch vụ làm trọng tâm. Phát triển công nghiệp công nghệ cao; khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng hiệu quả tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực từ các hoạt động ảnh hưởng đến môi trường. Tăng cường đầu tư vào hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và làng nghề. Kết nối phát triển du lịch với phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn. Khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến.
Hình thành các trung tâm công nghiệp theo vùng gắn với lợi thế và nguồn lực của từng vùng để ưu tiên phát triển:
+ Đối với vùng Đông Nam của tỉnh: đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nhất là các ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô, công nghiệp chế biến, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Lấy công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô; công nghiệp khí, điện; dệt may, da giày làm mũi nhọn kết hợp với thế mạnh sân bay, cảng biển để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ hàng không, logistics và một số ngành công nghiệp chế biến hỗ trợ nông nghiệp nhằm tăng nhanh giá trị gia tăng công nghiệp, giải quyết việc làm, đóng góp lớn vào ngân sách.
+ Đối với vùng Tây (vùng trung du, miền núi): xây dựng các cụm công nghiệp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, cơ sở chế biến nông lâm sản, dược liệu ở những ơ có điều kiện; tập trung chế biến sau các sản phẩm từ lâm sản và dược liệu, hạn chế xuất thô, tăng giá trị kinh tế rừng. Khôi phục, phát triển hệ thống các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo ra hướng phát triển mới đối với làng nghề và du lịch ở khu vực trung du và miền núi. Phát triển công nghiệp năng lượng hợp lý gắn với bảo vệ môi trường.
+ Đối với vùng Đông Bắc: đẩy mạnh phát triển công nghiệp nhẹ, công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp chế biên lương thực trong Khu công nghiệp Điện Nam- Điện Ngọc và các cụm công nghiệp. Tập trung đầu tư phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống (đúc đồng, dệt lụa, gốm, ...) gắn với phụ vụ phát triển du lịch.
- Xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu đảm bảo phục vụ ngành công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, ngành dệt may. Đưa công nghiệp dệt may, da giày vào các khu vực nông thôn nhằm giải quyết lao động. Xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển các ngành dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó tăng cường công tác dự báo tình hình thế giới và khu vực, phổ biến thông tin pháp luật, chính sách thương mại của các nước, các hiệp định để có kế hoạch chủ động ứng phó.
Theo Sở Công Thương, bên cạnh việc kịp thời triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp của Chính phủ, các Bộ ngành trung ương, tỉnh cần có cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ trong chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, phát triển ngành công nghiệp ưu tiên phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của tỉnh, đồng thời đảm bảo theo cơ chế thị trường, tuân thủ các điều khoản cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Chi Bảo