Công ty Dụng cụ chính xác An Mi - An Mi Tools (Khu Công nghiệp Dệt may Phố Nối B, Hưng Yên) với người đứng đầu là ông Nguyễn Hồng Phong đã khẳng định tầm nhìn rõ ràng sau đại dịch COVID-19: Phải chủ động tìm ra hướng đi mới để phát triển bền vững, trước khi chờ sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Tự tin vươn lên trong thị trường khó khăn

Đến thăm công ty dụng cụ An Mi những ngày cuối năm, mới thấy sự hăng say học tập, trau đồi kiến thức, kỹ năng của người lao động. Không khí nhộn nhịp, sôi động khẩn trương sản xuất để về đích mục tiêu doanh thu cả năm.

An mi 1.jpg
Tại công ty dụng cụ An Mi, các buổi đào tạo về văn hóa kinh doanh đang được chú trọng và do trực tiếp ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc công ty chủ trì.

Một trong những thách thức lớn nhất mà An Mi đang phải đối mặt là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Vị trí địa lý làm hạn chế khả năng tuyển dụng các kỹ sư lành nghề do các trường đào tạo chủ yếu tập trung tại Hà Nội, trong khi chất lượng đào tạo của đại học địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Để giải quyết điều này, An Mi đã đầu tư khá nhiều vào công tác đào tạo lại nhân viên mới. Quy trình này dù tốn kém về chi phí và thời gian, nhưng theo ông Phong, đây là việc cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Thừa nhận khó khăn từ sự biến động kinh tế toàn cầu, An Mi đã chọn cách đổi mới để tồn tại. Bằng việc tập trung vào khả năng nghiên cứu và phát triển, công ty đưa ra các giải pháp mới và sản phẩm sáng tạo, không ngừng cải thiện giá trị gia tăng thay vì cạnh tranh trực tiếp về giá cả. Định hướng này không những giúp công ty duy trì doanh thu mà còn củng cố vị thế của mình trong thị trường.

An mi 3.jpg
Nhân lực của công ty dụng cụ An Mi đều được đào tạo bài bản với kỹ năng trình độ chất lượng cao.
An mi 4.jpg
Các kỹ sư đòi hỏi trình độ cao, làm chủ hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại

An Mi luôn ưu tiên sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp nội địa trong khả năng cho phép, đặc biệt trong bối cảnh ngành cơ khí chính xác có khả năng liên kết hạn chế. Sự cởi mở với việc hợp tác này đã giúp công ty mở rộng tầm ảnh hưởng trong chuỗi giá trị không chỉ trong nước mà còn trên toàn cầu.

Trong lĩnh vực công cụ chế tạo CNC, An Mi nổi bật như một trong những công ty hàng đầu, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ban đầu phụ thuộc vào nhóm khách hàng FDI lớn, như Honda và Canon, nhưng hiện nay sản phẩm của công ty đã được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác, bao gồm cả công nghiệp quốc phòng của Việt Nam.

An Mi tham gia tích cực vào các chương trình đào tạo của các tập đoàn lớn trên thế giới. Theo ông Phong, những kiến thức và kỹ năng có giá trị từ các chuyên gia hàng đầu giúp công ty cải thiện năng lực sản xuất và phát triển nhân sự một cách rõ rệt.

Doanh nghiệp sẽ vươn mình mạnh mẽ hơn nếu được giúp đúng chỗ

Ông Nguyễn Hồng Phong ghi nhận sự cải thiện trong chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ của chính phủ và chính quyền thành phố. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp cần tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn và mong muốn có chính sách ưu đãi lãi suất riêng cho ngành này. Đồng thời, An Mi cùng đưa ra lời kêu gọi về việc tạo điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận quỹ đất công nghiệp nhằm củng cố hạ tầng, phát triển sản xuất trong bối cảnh quỹ đất ngày càng eo hẹp.

Theo ông, bản thân doanh nghiệp phải tự tìm ra hướng đi và khai thác mọi cơ hội có thể để phát triển. Ông hy vọng những đề xuất này không chỉ giúp An Mi mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ hơn.

Bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế, nhất là trong sau giai đoạn dịch COVID-19 hoành hành, An Mi vẫn cho thấy sự tự tin vượt qua khi doanh thu liên tục tăng qua các năm: 220 tỷ đồng năm 2021, 235 tỷ đồng năm 2022 và 265 tỷ đồng trong năm 2023 và năm 2024 ước đạt 360 tỷ đồng. 

Lợi nhuận duy trì ở mức ổn định từ 10-15%. Giám đốc điều hành Nguyễn Hồng Phong cho biết, mặc dù nhu cầu từ khách hàng hiện hữu có giảm, công ty đã chủ động mở rộng thị trường bằng cách phát triển thêm khách hàng mới và tư vấn những giải pháp công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu thị trường.

Thông qua những nỗ lực không ngừng nghỉ, An Mi đã và đang viết nên câu chuyện thành công của chính mình, khẳng định vị thế và sẵn sàng chinh phục những đỉnh cao mới. Doanh nghiệp này đang hướng tới mục tiêu doanh thu sẽ đạt 800 - 1.000 tỷ đồng vào năm 2025 và 2.000 tỷ đồng vào năm 2030. Đồng thời, mang lại đời sống ổn định cho hàng trăm cán bộ, công nhân viên đã, sẽ cùng chung dưới mái nhà lớn An Mi Tools.

Kim Duyên