Để thu hút và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân sự, một số doanh nghiệp Nhật Bản đang cung cấp các chương trình "thoát khỏi vùng nhiệt đới". Với phúc lợi này, người lao động bị dị ứng nặng theo mùa sẽ được trợ cấp các chuyến đi đến những vùng có lượng phấn hoa thấp hơn, theo tờ The Washington Post.
Một ví dụ được trích dẫn là công ty công nghệ thông tin Aisaac. Công ty này trợ cấp khoảng 1.300 USD (hơn 32 triệu đồng) cho nhân viên để tạm thời di dời đến các khu vực khác của Nhật Bản – những nơi mà các triệu chứng của bệnh dị ứng phấn hoa ít nghiêm trọng hơn.
Những phúc lợi này được coi là một cách để nâng cao năng suất lao động ở Nhật Bản, nơi bệnh dị ứng phấn hoa phổ biến hơn nhiều so với ở Mỹ.
Naoki Shigihara, một kỹ sư 20 tuổi đang gặp khó khăn trong việc tập trung vào công việc vì dị ứng phấn hoa, chia sẻ rằng Aisaac đã tài trợ anh chuyến đi tới Okinawa để làm việc từ xa.
“Khi tôi kể chuyện này với người ở các công ty khác, tất cả họ đều đồng ý rằng đó là một ý tưởng tuyệt vời và nhiều người tỏ ra ghen tị” - anh nói.
Theo chính sách này, Aisaac cho phép nhân viên đi bất cứ nơi nào có lượng phấn hoa thấp từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 4 – thời điểm mà số người bị dị ứng phấn hoa tăng mạnh ở Nhật Bản.
Okinawa là nơi được lựa chọn nhiều, nhưng một số người còn đi đến những khu vực xa hơn như Hawaii hay Guam.
Người phát ngôn của Aisaac cho biết hơn một phần ba trong số 185 nhân viên của họ đã sử dụng chương trình này vào năm ngoái. Chính sách này bắt đầu được áp dụng vào năm 2022 vì CEO của công ty cũng là người bị dị ứng phấn hoa.
Những sáng kiến tương tự đang được đề xuất ở các công ty khác của Nhật Bản. Theo một cuộc khảo sát của chính phủ, khoảng 20% các công ty Nhật Bản hiện cho phép nhân viên làm việc từ xa trong mùa dị ứng phấn hoa.
Tại Nhật Bản, bệnh dị ứng phấn hoa không chỉ là mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng mà còn là thách thức đối với nền kinh tế.
Theo báo cáo của Bộ Môi trường nước này, trích dẫn dữ liệu từ năm 2019, 42,5% người dân Nhật Bản bị dị ứng phấn hoa. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, con số này cao hơn đáng kể so với Mỹ, nơi có tỷ lệ khoảng 25%.
Hồi tháng 2 năm nay, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã mô tả bệnh dị ứng phấn hoa là một “căn bệnh quốc gia”, gây ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất lao động.
Ông Okano Mitsuhiro, giáo sư tai mũi họng tại Bệnh viện Phúc lợi và Y tế quốc tế Narita, tỉnh Chiba, cũng xác nhận rằng các triệu chứng của căn bệnh này nếu ở mức nghiêm trọng có thể làm giảm hơn 30% hiệu quả công việc.
“Sự suy giảm năng suất lao động có tác động lớn nhất đến nền kinh tế”, ông Okano khẳng định.
Theo tờ Nikkei Asia, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một số giải pháp để giảm thiểu vấn đề dị ứng phấn hoa, trong đó có việc chặt cây tuyết tùng với mục tiêu giảm một nửa lượng phát thải phấn hoa trong vòng 30 năm. Được biết, cây tuyết tùng và cây bách từng được trồng rất nhiều xung quanh Tokyo như một phần của chính sách tái trồng rừng sau Thế chiến thứ 2.
Chính phủ cũng có kế hoạch sử dụng AI để dự đoán sự lây lan của phấn hoa từ các khu rừng, từ đó tăng cường sản xuất thuốc chống dị ứng.