Theo Wall Street Journal, báo cáo tài chính của ByteDance mới đây cho thấy khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh vào năm ngoái đã tăng lên 7 tỷ USD, cao hơn 3 lần so với năm 2020. Dẫu vậy, công ty mẹ của TikTok đã bắt đầu phát sinh lợi nhuận hoạt động trong quý I năm nay.
ByteDance, có trụ sở tại Bắc Kinh, vốn kín tiếng và hiếm khi tiết lộ công khai. Bản báo cáo trên thực tế được gửi tới các nhân viên vào tháng 8, qua đó khái quát kết quả kinh doanh vài năm trở lại đây cũng như cung cấp cái nhìn chi tiết về cách nền tảng công ty hoạt động và kế hoạch cho tương lai.
Cố thoát lỗ
Vào năm 2021, doanh thu của ByteDance tăng gần 80% lên 61,7 tỷ USD. Song, chi phí bán hàng cũng bị kéo lên 27,4 tỷ USD, tăng 79% so với năm trước đó, do công ty đẩy mạnh hoạt động thu hút người dùng. ByteDance còn chi thêm 14,6 tỷ USD cho R&D, 19,2 tỷ USD cho chi phí bán hàng và tiếp thị.
Ngoài ra, việc giá trị của một loạt chứng khoán có thể chuyển đổi biến động khiến khoản đầu tư của ByteDance thâm hụt 75,6 tỷ USD. Khoản lỗ này tăng hơn 76% so với năm 2020.
Lỗ hoạt động của ByteDance vào năm 2021 đạt 7,15 tỷ USD. Năm trước đó, công ty chỉ lỗ khoảng 2,14 tỷ USD.
Bên cạnh TikTok, công ty đang vận hành nhiều ứng dụng khác, ví dụ như Douyin (phiên bản TikTok nội địa Trung Quốc), Toutiao hoặc Today’s Healines.
ByteDance chi đậm cho hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Ảnh: Getty. |
3 tháng đầu năm 2022, doanh thu ByteDance đạt 18,3 tỷ USD, tăng gần 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lỗ ròng trong giai đoạn này được thu hẹp xuống còn 4,7 tỷ USD, giảm 84% so với con số 29,1 tỷ USD ghi nhận cùng kỳ năm 2021, nhờ các biện pháp giảm thiểu chi phí.
ByteDance được thành lập vào năm 2012 bởi Zhang Yiming. Công ty nhanh chóng huy động thành công hàng tỷ USD từ các quỹ lớn như KKR, Sequoia hay General Atlantic.
ByteDance được định giá 180 tỷ USD vào cuối năm 2020 sau vòng gọi vốn gồm Fidelity Investments và một số cổ đông hiện hữu của công ty.
Dù đã hoàn kế hoạch niêm yết cổ phiếu, công ty đang đề nghị mua lại cổ phần từ giới đầu tư tương ứng mức định giá 300 tỷ USD. Cổ phần ByteDance trước đó đã giao dịch gần 400 tỷ USD trên thị trường thứ cấp.
Tiềm lực khổng lồ
Bất chấp tình trạng chi phí gia tăng, ByteDance đã cố gắng tăng tiền và các khoản tương đương tiền từ mức 34,1 tỷ USD vào cuối năm 2021 lên 42,6 tỷ USD vào cuối tháng 3. Tổng tài sản công ty cũng nâng từ 64,3 tỷ USD vào tháng 12 lên 74 tỷ USD tính đến hết tháng 3.
Nguồn ngân sách khổng lồ của ByteDance được xem là lợi thế cạnh tranh, đứng đằng sau sự trỗi dậy của nền tảng TikTok tại Mỹ.
Theo CEO Snap Evan Spiegel, không startup nào đủ khả năng đầu tư hàng tỷ USD vào việc thu hút người dùng như vậy trên khắp thế giới. Mặt khác, Snap của Spiegel mới đây đã phải ra thông báo cắt giảm việc làm tại một số vị trí.
Bản báo cáo tài chính của ByteDance là một phần của đợt phát hành giới hạn cổ phiếu nội bộ đặc biệt cho 30.000 nhân viên. Tính đến cuối năm 2021, nguồn tin trong ngành cho biết công ty có hơn 130.000 nhân viên làm việc trên toàn thế giới.
Trong số hơn 100 trang công bố tài chính, ByteDance đã liệt kê 46 yếu tố rủi ro mà nhân viên nên xem xét trước khi chấp thuận mua cổ phiếu nội bộ. Một trong số đó khuyến cáo cổ phiếu không được giao dịch công khai trên sàn chứng khoán và “nhân viên nên chuẩn bị tinh thần nắm giữ cổ phiếu công ty vô thời hạn”.
Một điều khoản khác nêu ra những rủi ro liên quan đến hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc. ByteDance cho biết nếu không tuân thủ các quy định của chính phủ hoặc nếu những quy định đó thay đổi trong tương lai, công ty có thể phải chịu các hình phạt nghiêm khắc hoặc buộc phải từ bỏ lợi ích trong các hoạt động.
Theo nguồn tin nội bộ tại một cuộc họp chung vào tháng 8, Liang Rubo - Giám đốc điều hành ByteDance - cho biết tổ chức đang phình to và hứa sẽ cắt giảm chi phí cũng như nâng cao hiệu quả. Ngoài ra, nhiều mảng kinh doanh của ByteDance cũng không đạt được kỳ vọng trong năm qua.
Theo Zing