Cái nhìn của báo chí và những người lớn tuổi cũng đã bớt khắt khe hơn với loại hình nghệ thuật độc đáo này, thay vì cấm cản thì ngày nay số lượng các phụ huynh đồng hành cùng con mình đến cosplay festival không phải là hiếm.

Để có một bộ đồ cosplay, các cosers phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Trước mỗi lần diễn cosplay, mọi ý tưởng cho những chi tiết dù nhỏ nhất trên trang phục đều phải chăm chútđể có được sự chuẩn bị tốt nhất. Để tiết kiệm tối đa chi phí, họ phải cố gắng mày mò tự thực hiện từ may vá, trang điểm… Họ còn bất chấp thời tiết lạnh giá mùa đông hay nóng nực mùa hè để mặc những bộ đồ giống hệt nhân vật mình hóa thân.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu và tôn trọng văn hóa cosplay. Sau mỗi lễ hội cosplay, những cosplayers Việt Nam hiện vẫn thường xuyên phải chịu những bình phẩm khiếm nhã. Những người làm tổn thương các cosplayers không còn là báo chí hay những người lớn tuổi khó tính như xưa nữa, mà đáng tiếc thay những hành vi khiếm nhã ấy lại đến từ một bộ phận giới trẻ.

Một số người đến cosplay festival, chỉ để chụp lại những phút giây hớ hênh hay thậm chí là để lợi dụng sàm sỡ các cosplayers. (ảnh minh họa)

Sau lễ hội Ake Ome vừa qua, trên mạng lại tiếp tục xuất hiện những hành động mang tính đả kích, chế giễu các cosers tham gia sự kiện. Đầu tiên là một cô gái đăng ảnh chụp dìm hàng và status chửi bới thậm tệ cosplay Lina của một nữ coser xuất hiện tại lễ hội.

 

Những lời chửi bới cay nghiệt của cô gái này đã khiến cho những người đam mê cosplay cảm thấy bức xúc. Tuy nhiên một số người lại cho rằng đây là do thù oán cá nhân, chủ nhân của status này đã ghét coser trong ảnh từ trước. Bởi, nếu đúng là hai người không hề biết nhau thì tại sao chủ nhân status lại có thể lôi đích danh tên thật của cosplayer ra để chửi ngay từ câu đầu tiên? Quả là, “khi con gái ghét nhau thì việc đối phương thở cũng là 1 tội ác”.

Trong khi sự việc này vẫn chưa kịp lắng xuống, thì giới cosplay lại tiếp tục “đau tim” trước sự thiếu hiểu biết của một page mang tên “K.S.Đ.P”. Admin của page này đã lấy ảnh của các coser tổng hợp thành album đăng kèm với những lời lẽ coi thường, cợt nhả. Lập tức, một số người vào comment với những lời lẽ sỉ nhục, xúc phạm người trong ảnh mà chính họ chẳng hề quen biết hay thù oán.

 

 

Khi có những ý kiến phản bác lại các comment vô học, admin và member của page này liền quay ra chửi. Họ giải thích rằng đây chỉ là một trò đùa vui của họ, và các cosplayers đã dám khoác trên mình trang phục cosplay thì phải chấp nhận bị người khác bôi nhọ. Những người này tự cho mình quyền xúc phạm người khác, chỉ vì họ khác biệt.

 

Trích đoạn những comment cực đoan của 1 cá nhân, và lời giải thích của coser bị bôi nhọ

Công khai sỉ nhục người khác trên mạng, rồi giải thích rằng "chỉ là đùa" và chửi những người phản ứng với câu “đùa” đó.

Từ khi nào sự sỉ nhục đến nhân cách người khác được coi là trò đùa vui?

Từ khi nào lấy hình ảnh người khác không xin phép để mua vui cho thiên hạ trở thành "đặc quyền" của admin các page?

Bất kỳ ai trong chúng ta đều muốn nhận được sự tôn trọng của xã hội. Vì vậy, hãy học cách tôn trọng người khác, bởi sau những trò đùa của bạn có thể là ai đó đang bị tổn thương.

Có lẽ những người này chưa đủ nhận thức để biết rằng luật pháp đã có quy định rõ: cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.  Hành vi sử dụng hình ảnh mà không xin phép đã vi phạm về quyền đối với hình ảnh của cá nhân theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Dân sự 2005. Cụ thể:

2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Ngoài ra, trường hợp nghiêm trọng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự. Cụ thể:

Tội làm nhục người khác” (Điều 121 Bộ luật Hình sự), nếu hành vi vi phạm có các dấu hiệu định tội sau: “ Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu phạm tội nhiều lần hoặc đối với nhiều người, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.

Trong trường hợp này, các cosplayers bị hại hoàn toàn có thể trình báo với các cơ quan chức năng (Cơ quan Công an, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông) để đề nghị các cơ quan này điều tra, xác minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân theo đúng quy định của pháp luật.

Lời kết

Cosplay vốn là hình thức để các fan Manga/Anime/Games... thể hiện tình yêu của mình đối với nhân vật bằng cách hóa thân vào nhân vật đó. Khi khoác trên mình phục trang cosplay, các cosplayers như lột xác, họ biểu diễn theo tính cách và hành động của nhân vật mình đang hóa thân. Vì vậy, bản chất của cosplay vốn lành mạnh và thuần khiết; các cosplayers chỉ là những người mang tình yêu rất lớn đối với nhân vật của mình và hoàn toàn không vụ lợi. Họ không làm gì sai, và hoàn toàn xứng đáng nhận được sự tôn trọng từ cộng đồng. Việc đem cosplay ra làm trò đùa giỡn coi thường, liệu có quá bất công đối với các cosers Việt?

 

 

theo xemgame