Xây dựng Coteccons lên tiếng về việc đối thủ Ricons yêu cầu mở thủ tục phá sản ở vào thời điểm “đang trong quá trình đấu thầu những dự án rất quan trọng”.
Ngày 25/7, CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) - doanh nghiệp xây dựng đầu ngành tại Việt Nam đã phát đi thông tin báo chí liên quan đến tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa Coteccons và CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons, ở vào thời điểm ngay trước ngày công bố kết quả một gói thầu chính trong dự án xây dựng Sân bay Long Thành.
Trước đó, ngày 24/7, Coteccons đã nhận được thông báo của Tòa án Nhân dân TP.HCM về việc thụ lý yêu cầu mở thủ tục phá sản của Ricons.
Coteccons cho biết, thời gian gần đây có nhiều biến cố vô cùng bất lợi cho ngành xây dựng, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng nhà ở đô thị và du lịch. Theo đó, kể từ năm 2017, rất ít dự án nhà ở đô thị được cấp giấy phép xây dựng, trong khi đó nguồn nhân lực trong ngành vẫn tiếp tục tăng trong khi nguồn việc lại sụt giảm rất mạnh.
“Từ thực trạng thiếu việc làm tạo nên mất cân đối cung cầu đã khiến cho thị trường xây dựng trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết. Và một số nhà thầu đã nhân cơ hội này để đẩy cao trào những xung đột không đáng có khiến cho môi trường xây dựng ngày càng trở nên tiêu cực”, thông báo của Coteccons nhấn mạnh.
Liên quan đến sự việc tranh chấp hợp đồng kinh tế với Ricons, CTD khẳng định là có phát sinh các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả (gọi tắt là công nợ) giữa hai công ty.
Theo Coteccons, nguyên nhân công nợ phát sinh bắt đầu từ giai đoạn trước năm 2019, CTD và Ricons chịu sự điều hành và xác định như là những thành phần đóng góp cho một hệ sinh thái gồm 7 công ty thành viên có sự liên kết lẫn nhau, bao gồm: Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho.
Trong quá trình hoạt động trong một hệ sinh thái, một số dự án Ricons làm tổng thầu xây dựng phát sinh những giao dịch bên liên quan đến CTD với vai trò là nhà thầu phụ, như tại các dự án: Regina Hưng Yên, thiết kế dự án Đông Á, dự án Golden Palace và một số giao dịch cho thuê thiết bị giữa hai Công ty.
Những công nợ phát sinh hiện nay vẫn chưa được quyết toán xong do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị công nợ kèm theo những chứng từ đủ điều kiện về pháp lý.
Ở chiều ngược lại, một số dự án Coteccons làm tổng thầu có phát sinh những công nợ cho Ricons với vai trò là nhà thầu phụ cũng chưa được quyết toán xong như: dự án Newtaco, dự án Regina Giai đoạn 4, nhà xưởng Regina Miracle, Regina Giai đoạn 6, dự án Regina Hưng Yên, dự án nhà máy Vinfast, dự án Simco.
Theo Coteccons, đây là những nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa hai công ty và dù đã nhiều lần yêu cầu tổ chức các cuộc họp, văn bản nhưng Ricons không cung cấp được chứng từ pháp lý theo giá trị công nợ yêu cầu.
CTD cho biết đang trong quá trình đấu thầu những dự án rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng. Mặc dù có tranh chấp công nợ, nhưng hợp đồng kinh tế sẽ được sớm giải quyết tại các trung tâm trọng tài nhưng Ricons thiếu sự hợp tác và đã gửi đơn kiện lên Toà án với tuyên bố yêu cầu phá sản.
Đây là một hành động mà CTD cho rằng không phải ngẫu nhiên lại được thúc đẩy để diễn ra vào thời điểm này.
Do đó, CTD đề nghị nhà thầu xây dựng Ricons có tinh thần hợp tác, nhanh chóng cung cấp những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý và xác định giá trị công nợ phát sinh giữa hai bên để không ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu của Công ty.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, các doanh nghiệp xây dựng đặt kỳ vọng cao vào vốn đầu tư công trị giá vài chục tỷ USD.
Nhiều cổ phiếu ngành đầu tư công hay liên quan như Vinaconex, Coteccons, HHV, C4G, LCG, HPG, TCD, ELC, ITD… được kỳ vọng hưởng lợi khi vốn đầu tư công dự kiến giải ngân hàng nửa cuối năm 2023 rất lớn. Bên cạnh đó cũng có hàng chục tỷ USD vốn tín dụng từ ngân hàng.
Theo kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là 711.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa còn khoảng 495.000 tỷ đồng (tương đương gần 21 tỷ USD) nữa sẽ được giải ngân trong 6 tháng cuối năm.
Coteccons nợ Ricons 323 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính quý I/2023 của Coteccons, doanh nghiệp này có khoản phải trả đối với Ricons là gần 323 tỷ đồng tại thời điểm 31/03/2023, trong tổng cộng gần 4.000 tỷ đồng nợ ngắn hạn.
Trong thông báo phát đi hôm nay 25/7, Coteccons cho biết doanh nghiệp này có lượng tiền mặt có thể sử dụng lên tới gần 4.000 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch 24/7, cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Coteccons giảm sàn mất gần 7% xuống còn 73.700 đồng/cp.
Conteccons hiện đứng đầu Liên danh Hoa Lư (cùng nhà thầu Thái Lan và Xây dựng Hòa Bình (HBC), là một trong 3 liên danh nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu gói thầu 5.10 Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tại dự án Sân bay Long Thành. Đây là gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách, dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 8/2023. Gói thầu này có giá trị tới 35.000 tỷ đồng.
Một liên danh khác cùng tham gia dự thầu là VIETUR do nhà thầu đến từ Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu, có thành viên là các công ty thuộc hệ sinh thái Newtecons của ông trùm xây dựng Nguyễn Bá Dương (trước là Chủ tịch Coteccons) và Tổng công ty Vinaconex.
Ngoài ra còn có Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors do nhà thầu Trung Quốc đứng đầu.
Trong khi đó, Ricons là doanh nghiệp chưa niêm yết.