Chuyển đổi số chậm có thể đe dọa nhiều doanh nghiệp Việt

Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung hiện là Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị thuộc Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT.

{keywords}
Trước khi công tác tại Đại học RMIT, Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung từng làm việc tại FPT. Các lĩnh vực nghiên cứu của ông liên quan đến quản trị chuyển đổi thông minh, kinh doanh quốc tế và kinh tế phát triển.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại tại Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung đưa ra cảnh báo, sự gián đoạn do Covid-19 làm quá trình chuyển đổi số chậm có thể khiến nhiều doanh nghiệp bị phá sản trong tương lai.

Theo ông phân tích, chuyển đổi số đối với doanh nghiệp là điều hết sức quan trọng mang tính sống còn trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới, đặc biệt với việc hội nhập kinh tế quốc tế và nền kinh tế mở của đất nước. Chúng ta đang sống trong thế giới thay đổi nhanh chóng và buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng thay đổi từ khách hàng, nhân viên, đối thủ cạnh tranh, cổ đông và các bên liên quan.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp thường diễn ra theo 2 hình thức chính gồm ứng dụng công nghệ số vào mô hình kinh doanh hiện tại, chẳng hạn để tăng trải nghiệm khách hàng từ khâu ra quyết định mua hàng cho đến hậu mãi; hoặc thay đổi hoàn toàn mô hình hoạt động và cấu trúc, ví dụ như thay đổi mô hình doanh thu dựa trên công nghệ số mới và dữ liệu lớn.

Tiến sĩ Trung cho hay, cần có thêm thời gian để xác định những công ty đi đầu trong chuyển đổi số tại Việt Nam vì nhu cầu này mới trở nên cấp thiết với đất nước trong giai đoạn gần đây. Dù chuyển đổi số đã có mặt hơn 10 năm, song phần lớn chuyển đổi số ở doanh nghiệp trong nước và quốc tế đều dựa trên các giải pháp tình huống.

Nghiên cứu mới đây của nhóm chuyên gia RMIT hợp tác với KPMG thực hiện cho thấy doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân lớn đang chuyển đổi số tốt. Xét về năng lực và quản trị, cả nhóm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn sơ khởi trên hành trình này.

Nói về ảnh hưởng do dịch Covid-19 với các doanh nghiệp Việt, chuyên gia RMIT cho hay, nghiên cứu cho thấy cả doanh nghiệp nhỏ và lớn đều đang thiệt hại nặng nề vì cung và cầu đều giảm, cả hai loại hình doanh nghiệp này đều vấp phải những thách thức tương tự nhưng quy mô ảnh hưởng có thể khác nhau.

Ngay cả trước đại dịch, hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn do khả năng quản trị doanh nghiệp kém, cạnh tranh cao, năng lực sáng tạo thấp, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và chi phí vận hành doanh nghiệp cao.

“Vì vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp tục gặp nhiều thách thức, không chỉ hiện tại mà còn trong tương lai, nếu cả doanh nghiệp và chính phủ không có những giải pháp phù hợp”, Tiến sĩ Trung nêu quan điểm.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ nên bắt đầu chiến lược chuyển đổi số thế nào?

Bàn về câu chuyện chuyển đổi số của doanh nghiệp, Tiến sĩ Trung cho rằng, chuyển đổi số là quá trình đầy thách thức. Khi lên chiến lược, các doanh nghiệp này nên cân nhắc đến ngành nghề mình đang hoạt động, đối thủ cạnh tranh, quy mô doanh nghiệp, ưu tiên của doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, cũng như quyết tâm và sự kiên định của cấp lãnh đạo.

{keywords}
Chuyên gia RMIT khuyến nghị, trong chiến lược chuyển đổi số, doanh nghiệp nên ưu tiên hiệu chỉnh văn hóa doanh nghiệp, tầm nhìn công ty, quản trị rủi ro, xác lập mục tiêu, an ninh dữ liệu và nhân lực số (Ảnh minh họa: Internet)

Đưa ra một số gợi ý giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chiến lược chuyển đổi số toàn diện, chuyên gia RMIT khuyến nghị, cần hiểu rõ lý do chuyển đổi số. Nhiều bài học cho thấy những gì giúp doanh nghiệp thành công tại thời điểm này có thể sẽ không còn hiệu quả trong tương lai.

Cùng với việc cổ súy tinh thần đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp cần xây dựng năng lực chuyển đổi số trong các hoạt động như quản trị doanh nghiệp, chiến lược số hóa, văn hóa doanh nghiệp, công nghệ và bảo mật, phân tích dữ liệu và nhân viên kỹ thuật.

“Doanh nghiệp cần hiểu rõ ai sẽ tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Ví dụ, không nên giao đứt cho một bộ phận phụ trách, mà cần quản lý toàn bộ dự án theo hướng tiếp cận từ trên xuống. Bên cạnh đó, cân nhắc mô hình kinh doanh hiện tại theo lăng kính công nghệ, kỹ thuật số và thu thập dữ liệu, ví dụ, đánh giá hành trình khách hàng hiện có và từ đó tìm cách ứng dụng công nghệ số để cải thiện trải nghiệm khách hàng”, chuyên gia RMIT gợi ý.

Chuyên gia RMIT đề xuất các doanh nghiệp ưu tiên hiệu chỉnh văn hóa doanh nghiệp, tầm nhìn công ty, quản trị rủi ro, xác lập mục tiêu, an ninh dữ liệu và nhân lực số.

Ông đặc biệt nhấn mạnh, doanh nghiệp hành động ngay lập tức. Đừng đẩy mình vào vị trí của những doanh nghiệp lớn đã trì hoãn quá trình chuyển đổi số như Sears, Kodak, Nokia và Yahoo. Việc chậm thay đổi trong giai đoạn hiện nay sẽ có thể tác động nặng nề đến doanh nghiệp còn hơn tác động của Covid-19.

Nhận định chuyển đổi số không chỉ là thay đổi sang mô hình kinh doanh mới, mà còn là cơ hội để cải thiện đáng kể trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa quá trình vận hành, ông Trung cho rằng: “Khi xác lập ưu tiên trong quá trình chuyển đổi số, nhìn chung doanh nghiệp cần cân nhắc 2 yếu tố chính: tầm quan trọng và tính cấp bách của vấn đề. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần đưa thêm các yếu tố tác động trong ngắn hạn và dài hạn vào những ưu tiên của họ trong bối cảnh hiện nay”.

M.T

Ngày 12/1, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số - SMEdx đã được Bộ TT&TT phối hợp cùng Bộ KH&ĐT và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam công bố. qua Cổng kết nối https://smedx.vn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã có lựa chọn, đăng ký sử dụng các nền tảng số Make in Vietnam xuất sắc để chuyển đổi số đơn vị mình.