Nghiên cứu của tổ chức ILO thuộc Liên Hợp Quốc cho biết, dịch viêm phổi Covid-19 đã ‘thổi bay’ khoảng 24,7 triệu việc làm trên toàn thế giới. Trong khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi 2008-2009 khiến khoảng 22 triệu người thất nghiệp.
“Đây không còn là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, mà còn là cuộc khủng hoảng về thị trường lao động và kinh tế gây ra tác động to lớn đối với con người. Để so sánh, đã có khoảng 22 triệu người thất nghiệp do cuộc khủng hoảng tài chính hồi 2008-2009 gây ra”, Economictimes trích lời Tổng giám đốc ILO Guy Ryder nói.
Hàng chục triệu người mất việc làm do Covid-19 gây ra. Ảnh: AP |
“Tuy nhiên nếu chúng ta có một chính sách đối phó mang tầm quốc tế, giống như hồi 2008-2009 thì tác động của vấn đề thất nghiệp trên toàn cầu sẽ được giảm đáng kể. Hồi năm 2008, cả thế giới đã đoàn kết để giải quyết hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính, và điều tồi tệ nhất đã được đẩy lùi”, ông nói thêm.
Bản nghiên cứu của ILO ước tính với việc có thêm hàng chục triệu người thất nghiệp, thì tổng thu nhập của người lao động trên toàn thế giới sẽ giảm từ 860-3.400 tỷ USD vào cuối năm 2020. Và điều này sẽ dẫn tới sự giảm sút về tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, gây ảnh hưởng xấu tới triển vọng của các doanh nghiệp cũng như nhiều nền kinh tế.
“Trong thời kỳ khủng hoảng như hiện nay, chúng ta có hai cách làm giảm thiệt hại kinh tế và khôi phục lại niềm tin của mọi người. Thứ nhất là đối thoại xã hội, như việc gắn kết người lao động và người sử dụng lao động là rất quan trọng trong việc xây dựng niềm tin, cũng như sự ủng hộ của người dân đối với các biện pháp chúng ta đưa ra để vượt qua cuộc khủng hoảng”, ông Ryder nhận định.
“Thứ hai, những tiêu chuẩn về lao động trên toàn cầu cung cấp một nền tảng đáng tin cậy cho các chính sách tập trung khôi phục kinh tế một cách bền vững. Tất cả mọi thứ cần được thực hiện nhằm làm giảm thiệt hại cho người dân trong thời gian khó khăn này”, ông Ryder kết luận.
Tuấn Trần