Sau vụ cháy ở Khương Hạ, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đêm 12/9, cư dân của các chung cư mini ở Hà Nội, TP.HCM vội vàng tìm hiểu kỹ hơn về nơi mình sinh sống.
Nhiều người khi đặt bút ký vào hợp đồng mua hoặc thuê nhà dài hạn chưa rõ khái niệm và các quy định về quản lý, tiêu chuẩn của mô hình nhà ở chung cư mini.
Vẻ ngoài hiện đại, bên trong nhiều ẩn họa
Sau nhiều lần chuyển nhà trọ, chị H.T.X. (36 tuổi) quyết định thuê căn hộ dài hạn tại chung cư mini ở đường Lê Đình Cẩn, quận Bình Tân, TP.HCM.
Chị X. cho biết: “Tôi nghe chủ trọ giới thiệu là chung cư mini thì biết đó là chung cư nhỏ hơn các chung cư bình thường khác. Lúc đó, tôi không nắm rõ những căn hộ nhỏ như vậy có đúng tiêu chuẩn và an toàn PCCC chưa”.
Với những gia đình công nhân như chị X., căn hộ nhỏ sạch sẽ, có thang máy, riêng tư… như vậy đã là quá tốt.
Trước đây, gia đình chị thuê phòng ở các khu trọ ẩm thấp, nhỏ hẹp, không có không gian riêng. Được người quen rủ đến ở chung cư mini, chị X. cố gắng tính toán chi phí, bởi tiền thuê đắt hơn nhiều so với nhà trọ bình dân.
Sau 1 năm sống ở đây, gia đình chị dần nhận ra những bất cập.
“Dù sạch sẽ hơn nhưng diện tích của mỗi căn hộ khá nhỏ, bí bách. Mùa dịch, chúng tôi nhìn đâu cũng thấy người. Tôi lỡ đặt cọc thuê nhà dài hạn, nếu không đã chuyển đi nơi khác.
Nghe tin vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, người thân ở quê cứ gọi điện, giục chúng tôi chuyển chỗ trọ. Ở thì sợ hỏa hoạn, đi lại lo mất tiền, cả nhà động viên nhau cố gắng ở cho hết hợp đồng”, chị X. rầu rĩ.
Từ lúc ra trường, chị N.K.A cũng dọn khỏi khu chung cư mini ở Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Hôm qua (13/9), nghe tin vụ cháy ở Khương Hạ, chị A. rùng mình nhớ lại khoảng thời gian 5 năm sống trong chung cư mini.
Chị A. kể, đường vào khu nhà có nhà cửa san sát, ngõ chỉ vừa 2 xe máy lách nhau. Chị A. sống trong căn phòng khoảng 20m2, nằm ở tầng 4.
Ngoài cửa sổ khoảng 80cm được đóng khung sắt cẩn thận, căn phòng không còn khoảng trống cho không khí len vào.
Thang máy 5 người đứng là chật cứng. Cầu thang thoát hiểm thì 2 người phải lách nhau.
"Bây giờ nghĩ lại, nếu có cháy thì không biết chúng tôi sẽ phải làm như thế nào để thoát ra. Tôi mong sau vụ việc, cơ quan chức năng sẽ quản lý nghiêm ngặt hơn”, chị A. bày tỏ.
Đến nhà bạn tại một chung cư mini ở quận Tân Phú, TP.HCM, anh Đức Quân (30 tuổi) cảm thấy lo lắng. Chung cư có 1 thang máy nhỏ, số lượng căn hộ thì nhiều.
“Nếu có cháy, chắc rất khó khăn mới chạy thoát, nghĩ thôi mà thấy sợ”, anh Quân nói.
Chung cư mini là gì?
Theo TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội, luật Nhà ở chưa quy định khái niệm cụ thể về chung cư mini nhưng một số văn bản dưới luật (như quyết định 24/2014/QĐ-UBND) đã sử dụng khái niệm chung cư mini, mô tả đặc điểm và quy định điều kiện cấp giấy chứng nhận đối với căn hộ chung cư mini như sau:
Điều 22. Cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở chung cư mini:
1. Nhà chung cư mini là nhà ở do hộ gia đình, cá nhân xây dựng có từ 2 tầng trở lên mà tại mỗi tầng có từ 2 căn hộ trở lên. Mỗi căn hộ được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín (có phòng ở riêng, khu bếp riêng, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng, diện tích sàn xây dựng mỗi căn hộ tối thiểu là 30m2 và đáp ứng các quy định về nhà chung cư theo quy định tại điều 70, luật Nhà ở).
2. Căn hộ của nhà chung cư mini được xây dựng theo giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc quy hoạch xây dựng đô thị đối với khu vực đã có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng thì được cấp giấy chứng nhận với hình thức sử dụng đất là sử dụng chung.
Trường hợp công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng sai phép thì hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà chung cư mini không được cấp giấy chứng nhận.
3. Hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà chung cư mini thay mặt người mua căn hộ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với các căn hộ đó khi làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất và chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở theo quy định.
“Như vậy, theo luật Nhà ở từ năm 2014, những nhà ở riêng lẻ do hộ gia đình cá nhân xây dựng mà đáp ứng đầy đủ điều kiện tiêu chuẩn của nhà chung cư thì cũng có thể được cấp giấy chứng nhận cho từng căn hộ để chủ sở hữu nhà ở có quyền bán từng căn hộ.
Tuy nhiên, tòa nhà đó phải đảm bảo các tiêu chuẩn điều kiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo thiết kế an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Trong khi đó, thực tiễn cho thấy, rất hiếm trường hợp nhà ở riêng lẻ xây thiết kế thành chung cư mini đủ điều kiện tiêu chuẩn để Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với từng căn hộ.
Nhiều công trình không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là điều kiện về PCCC. Trên thực tế, nhiều tòa nhà như vậy đang tồn tại, có nhiều người ở và nguy cơ mất an toàn về PCCC là rất cao.
Bởi vậy, ngoài việc xử lý đối với trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng cũng cần tổng kiểm tra, rà soát để phát hiện kịp thời các trường hợp có nguy cơ cháy nổ cao.
Đối với chủ đầu tư công trình, nếu xây dựng tòa nhà không đủ điều kiện tiêu chuẩn để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ nhưng vẫn bán theo kiểu viết tay, hợp đồng không hợp lệ rồi phó thác trách nhiệm cho người mua dẫn đến hỏa hoạn xảy ra thì vẫn phải truy trách nhiệm.
Về mặt pháp lý, giấy tờ về nhà đất vẫn đứng tên chủ đầu tư chứ không thể sang tên cho người mua vì hồ sơ mua bán chuyển nhượng không hợp lệ”, TS.LS Đặng Văn Cường phân tích.
LTS: Chung cư mini là lựa chọn của không ít gia đình trẻ và sinh viên vì nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, cuộc sống ở đây cũng tồn tại những chuyện ám ảnh, dở khóc dở cười. Báo VietNamNet đăng tải loạt bài Cuộc sống ở chung cư mini dưới góc nhìn, lời chia sẻ của chính những người trong cuộc. |