Chu Ngọc Phương Linh (2004) hiện là sinh viên năm nhất ngành Quản lý và kinh doanh thời trang của Trường Mod’Art International Paris (Pháp). Từng là một cô bé điệu đà, ưa thích phối đồ, khi lớn lên, Linh nhận ra đó không đơn giản chỉ là sở thích.
Nghiêm túc muốn theo đuổi đam mê này, ngay từ khi còn học cấp 3 ở Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội), Phương Linh bắt đầu tìm kiếm các sự kiện và dự án cộng đồng liên quan đến lĩnh vực thời trang. Linh từng tham gia vào dự án The Fashion Alley, chịu trách nhiệm phát triển nội dung cho kênh Tiktok giới thiệu về xu hướng thời trang và các sự kiện quan trọng của ngành.
Tình yêu với ngành thời trang cứ thế lớn dần. Đến khi thi đỗ vào ngành Quản trị kinh doanh của ĐH Bách khoa Hà Nội, giữa những băn khoăn, Phương Linh quyết định “liều” bước ra khỏi vùng an toàn.
“Nếu không phải bây giờ sẽ là bao giờ? Em tự hỏi và đưa ra sự lựa chọn của mình là không nhập học tại Bách khoa, dẫu nhiều người khuyên can đó là hướng đi an toàn”, Linh nói. May mắn, nữ sinh được bố mẹ ủng hộ nên đã ngay lập tức bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ du học.
Theo Linh, các ngành học liên quan đến thời trang ở Việt Nam chưa có quá nhiều trường đào tạo. Vì thế, em mong muốn đi du học, sau đó, quay trở về áp dụng để phát triển ngành công nghiệp thời trang tại Việt Nam.
Nơi Phương Linh theo học là Trường Mod’Art International Paris (Pháp). Thủ đô Paris vốn mệnh danh là “kinh đô thời trang” với sự hiện diện của nhiều thương hiệu cao cấp lâu đời như Chanel, Dior, Gucci, Valentino… Nữ sinh cho rằng, đây sẽ là “mảnh đất lý tưởng” giúp em trau dồi và phát triển đam mê của bản thân.
Để vào trường, ứng viên phải trải qua 2 vòng xét tuyển gồm: Hồ sơ (thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa, thư giới thiệu, portfolio (hồ sơ năng lực) về một chủ đề liên quan đến thời trang); Phỏng vấn. Nữ sinh đã chứng minh cho hội đồng tuyển sinh thấy đam mê mãnh liệt của mình thông qua portfolio được nghiên cứu và thực hiện tỉ mỉ.
“Em đã thực hiện đề tài về trang phục truyền thống của Việt Nam áp dụng trong thời hiện đại. Ý tưởng này đến từ một lần tới Huế, em nhìn thấy nhiều người trẻ chọn áo Nhật Bình để chụp ảnh cùng các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của cố đô. Em thấy ấn tượng vì một di sản thời Nguyễn lại được nhiều bạn trẻ yêu thích và sử dụng đến vậy”.
Theo Linh, lâu nay bạn bè quốc tế chủ yếu biết tới Việt Nam qua áo dài và nón lá. Vì thế, thông qua chủ đề này, nữ sinh cũng muốn lan tỏa những giá trị đẹp về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Áp lực cạnh tranh của ngành thời trang
Trúng tuyển vào ngành Quản lý và Kinh doanh thời trang của Trường Mod’Art International Paris, nữ sinh cho biết ban đầu cảm thấy “ngợp” vì không khí học tập tại đây mang tính cạnh tranh cao. Trường đề cao việc thực hành nên ngay từ năm nhất, sinh viên các khoa đã được “trộn lẫn”, cùng thực hiện tất cả các công đoạn để “lên kệ” một sản phẩm hoàn chỉnh.
“Ví dụ khi học về thiết kế Kimono, trong nhóm của em có bạn học ngành Thiết kế thời trang sẽ chịu trách nhiệm phác thảo và làm nên bộ trang phục ấy; có bạn chịu trách nhiệm tìm câu chuyện cho trang phục để truyền thông; có bạn chịu trách nhiệm về hình ảnh, lên kế hoạch quảng cáo… Sinh viên toàn khóa được chia thành gần 20 nhóm, mỗi năm học sẽ cùng nhau làm 3-4 dự án lớn như thế”.
Ngoài ra, trường cũng liên kết với nhiều thương hiệu thời trang nên đôi khi họ chính là những người giao “đề bài” cho sinh viên.
“Ví dụ có lần, hãng giày New Balance đã đến trường em và “đặt hàng” một kế hoạch marketing cho sản phẩm mới. Nhóm nào có ý tưởng hay nhất sẽ được thương hiệu này sử dụng trong chiến dịch của hãng”.
Thông qua những lần so tài như thế, theo Phương Linh, nhà trường mong muốn sinh viên hiểu được rằng ngành thời trang vốn lộng lẫy nhưng cũng rất cạnh tranh, buộc sinh viên phải học cách đối mặt với điều đó.
Không chỉ trong các dự án lớn, ở một số môn học, sinh viên cũng phải làm việc theo nhóm, ví dụ lên ý tưởng mở một gian hàng thời trang. Từ việc chọn địa điểm, cách trang trí gian hàng, sắp xếp hàng hóa sao cho thu hút người mua… cũng đều đòi hỏi sự sáng tạo và tư duy logic.
Ngoài giờ học, Phương Linh phải dành thời gian đi thực tế để cập nhật các xu hướng thời trang mới hoặc “lục mọi ngõ ngách của Paris” để tìm kiếm các vật liệu, món đồ phù hợp với gam màu dự định đưa vào dự án.
“Chúng em buộc phải đặt bản thân vào môi trường làm việc thực thụ nên luôn trong tình trạng căng thẳng vì khối lượng công việc khổng lồ với nhiều deadline”.
Dù khắc nghiệt nhưng Phương Linh thích thú với cách học như vậy. Theo Linh, làm việc nhóm sẽ giúp các thành viên có thể trao đổi, bổ sung kiến thức, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Bên cạnh đó, mỗi sinh viên cũng sẽ hiểu rõ hơn về từng công đoạn tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh trên kệ. Tuy nhiên để làm việc nhóm hiệu quả, mỗi thành viên cũng cần có thái độ làm việc cởi mở, hòa nhã.
Chương trình học của Phương Linh thường đan xen 3 tháng học tại trường, 3 tháng đi thực tập. Khi mới sang Pháp, Linh chỉ sử dụng được tiếng Anh, vì thế nữ sinh cũng gặp nhiều rắc rối trong việc tìm nơi thực tập.
May mắn, khi nộp hồ sơ vào hàng thời trang Elie Saab, Phương Linh được nhận thực tập tại vị trí trợ lý cho showrooom. Trái ngược với suy nghĩ “môi trường làm việc ở những thương hiệu cao cấp rất cứng nhắc”, Linh bất ngờ khi mọi người thoải mái, cởi mở, chuyên nghiệp.
“Có lần, em được gặp trực tiếp ông Elie Saab – chủ của hãng thời trang này. Ông thậm chí tới bắt tay từng nhân viên và thực tập sinh. Điều đó khiến em ấn tượng về một môi trường làm việc cởi mở, nơi người đứng đầu luôn dành sự quan tâm tới những nhân viên nhỏ nhất”, Linh nhớ lại.
Sau 1 năm theo đuổi ngành học này, Phương Linh nhận thấy đây là ngành tiềm năng, có nhiều cơ hội phát triển.
“Ở Việt Nam, ngành công nghiệp thời trang mới chỉ đang phát triển. Em nghĩ đây sẽ là cơ hội cho mình trong tương lai. Dù học ở Pháp hay bất kỳ đất nước nào, đích đến của em vẫn là Việt Nam. Em mong có thể lan tỏa bản sắc văn hóa Việt thông qua các trang phục truyền thống dân tộc”, Linh nói.