Đó là nghịch lý được ông Lê Duy Khang, Phụ trách Marketing Việt Nam, Công ty Zoro chỉ ra tại một hội thảo về chuyển đổi số tuần qua.
Ông Khang kể, doanh nghiệp khi được tư vấn chuyển đổi số thì thường đưa ra câu hỏi điển hình: “Hết bao nhiêu tiền?”
Bản thân các ông chủ công ty cũng đang lo lắng tốn kém chi phí đầu tư hơn là nghĩ đến hiệu quả của chuyển đổi số mang lại trong tương lai. Trong khi, cốt lõi của chuyển đổi số, theo ông Khang, là một hành trình dài, doanh nghiệp cần chú trọng làm gì trước nếu không sẽ bị “ngộp” trong sự thay đổi.
Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Lê, Tổng giám đốc Công ty Tái cấu trúc Chuyển đổi số Dr. SME chia sẻ, doanh nghiệp cần tính rõ hiệu quả thu hồi vốn của từng phương thức chuyển đổi số một cách dài hơi.
Theo ông Lê, mới đây, ông tư vấn mua phần mềm One Office cho một doanh nghiệp có khoảng 1.000 nhân viên, chi phí khoảng 350 triệu đồng/năm. Lãnh đạo doanh nghiệp được tư vấn khẳng định, với chi phí 1 tỷ trong 3 năm, đơn vị có thể thuê một đội tin học đủ mạnh và tự viết phần mềm riêng.
"Tuy nhiên, thực tế triển khai, Trưởng phòng Tin học của doanh nghiệp này báo chi phí viết phần mềm quản trị quy trình điều hành cần tới 5 tỷ đồng và 10 người thực hiện trong 2 năm. Do đó, nếu chỉ nhìn thấy số tiền 350 triệu ban đầu mà kêu đắt thì không thể thấy lợi ích mang lại", ông Lê nói.
“Mặt khác, chuyển đổi số không phải là đua đòi và chạy theo trào lưu, mua quá nhiều phần mềm về dùng rồi tạo thành các món nợ công nghệ”, ông Lê nhấn mạnh.
Khảo sát “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam” của VCCI mới đây cho thấy, có tới 36,1% số doanh nghiệp được hỏi cho biết đã nghe qua về chuyển đổi số nhưng không biết bắt đầu từ đâu; 23,8% doanh nghiệp thiếu nguồn lực tài chính/nhân lực thực hiện và 17,1% chưa quan tâm/chưa chú trọng đến chuyển đổi số.
Bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp, VCCI khẳng định, khi các doanh chủ chưa nhận thức được thì sẽ không thấy sự cần thiết của chuyển đổi số. Chuyển đổi không đem lại hiệu quả ngay trong giai đoạn đầu tiên mà là cả quá trình. Đến thời điểm này, không chỉ có doanh nghiệp vừa và lớn mới cần chuyển đổi số, doanh nghiệp nhỏ cũng nên bắt tay làm ngay và đây là bàn đạp giúp công ty đi nhanh hơn so với đối thủ.
Cũng theo bà Thủy, tốc độ chuyển đổi số tại Việt Nam sau dịch Covid-19 rất nhanh, mức tăng trưởng của 2 năm dịch gần bằng 10 năm trước đó cộng lại. Với tốc độ này, doanh nghiệp nào chậm chân sẽ tụt hậu.