LTS: Câu chuyện về ngành công nghiệp hỗ trợ cho ô tô và ngành công nghiệp ô tô nói chung đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận khi một trang tạp chí điện tử đăng bài viết với tiêu đề: "Chủ tịch VASI: Chúng ta chỉ mới làm được cái ốc vít bắt biển số xe”. Thông điệp từ tiêu đề này đã gây ra nhiều tranh cãi về năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay.
Bài viết trên một tờ tạp chí điện tử trích dẫn ý kiến chủ tịch một hiệp hội rằng: "Trên một chiếc ô tô hiện nay có hơn 20.000 chi tiết linh kiện, cần tới hơn 200 mã kim loại. Hiện nay các doanh nghiệp tại Việt Nam chưa thể chế tạo được một mã kim loại nào trong tổng số 200 mã đó. Chúng ta chỉ mới làm được cái ốc vít bắt biển số xe”.
Phản bác lại quan điểm đó, thầy Đào Kiến Quốc, nguyên Phó Viện trưởng Viện CNTT, Đại học QGHN cho rằng: “Ngày nay người ta cần tham gia vào một công đoạn trong chuỗi giá trị, chứ không thể làm chủ được mọi khâu. Ngay như các nước châu Âu cũng không tự làm chip máy tính mà mua của Intel hay AMD của Mỹ. Cứ nghĩ phải làm đươc hết mọi thứ thì muôn đời hít khói”. Tư duy đó đối nghịch với tư duy muốn làm ô tô chúng ta phải làm được hàng trăm chi tiết kim loại, thậm chí phải có cả ngành công nghiệp luyện kim để trực tiếp chế tạo ra thép tốt nhất.
Hiện tại, cứ 100 đôi giày Nike được bán ra trên toàn cầu thì có trên 50 đôi giày Nike được sản xuất ở Việt Nam, có nghĩa là mỗi năm Việt Nam sản xuất ra 300 triệu đôi giày Nike. Thế mà không có bất một nhà máy giày nào của Nike ở Việt Nam, có đến 200 nhà máy sản xuất giày Nike ở Việt Nam mà không phải của Nike, trong đó có rất nhiều nhà máy có tên hoàn toàn Việt Nam.
Nike, một hãng giày thể thao lớn nhất thế giới, họ không cần một nhà máy sản xuất giày nào, họ chỉ làm thiết kế, kiểu dáng, thương hiệu, bán hàng và cung cấp nguyên vật liệu cho các nhà máy sản xuất thôi. Đấy là tư duy lớn, tư duy mới trong sản xuất sản phẩm.
Tương tự như vậy, Apple hãng điện thoại lớn nhất thế giới, cũng không có bất cứ một nhà máy sản xuất iPhone, iPad, iPos, Macbook nào cả. Việc sản xuất Apple giao cho Foxconn, Luxshare, Wistron, Pegatron, Goertek và ngay cả Chip và bộ vi xử lý, bộ não của điện thoại, máy tính, Apple cũng mua của Qualcomn, Intel, còn màn hình thì mua của Samsung (đối thủ trực tiếp).
Vậy Apple có gì trong các sản phẩm của họ? Cũng giống như Nike, họ chỉ làm thiết kế, kiểu dáng, thương hiệu, marketing, bán hàng và cung cấp linh kiện, phụ kiện, nhưng quan trọng nhất là họ có phần mềm hệ điều hành iOS và hệ sinh thái các ứng dụng.
Chắc có người sẽ nói: "Samsung họ sản xuất trực tiếp đấy chứ, ở Việt Nam có nhà máy Samsung ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh". Đấy là lựa chọn của Samsung, nhưng kết quả là giá trị công ty của Apple là 2.364 tỷ USD, lớn gấp gần 6 lần Samsung (chỉ có 416 tỷ USD).
Trong lĩnh vực máy chủ, cả IBM, HP, Dell, Lenovo, chẳng hãng nào trực tiếp sản xuất Chip, CPU, bộ nhớ RAM, đĩa cứng, nguồn, card mạng, màn hình, họ đều đi mua của Intel, Quancomn, Samsung, họ chỉ làm thiết kế, chọn linh kiện và phụ kiện, làm thương hiệu, marketing, bán hàng.
Quay lại chuyện sản xuất ô tô, đúng là sau hơn hơn 20 năm, công nghiệp ô tô của Việt Nam chưa đạt được như kỳ vọng. Tỷ lệ nội địa hoá của các hãng Toyota, Honda, Hyundai, Mitsubishi, Ford, Nissan, Suzuki vẫn còn thấp, thế nhưng như tít bài báo nọ: “Việt Nam chỉ sản xuất được cái ốc vít biển số xe ô tô” thì lại sai hoàn toàn, vừa bôi nhọ ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam, vừa là cách nói thiếu trách nhiệm.
Về sản xuất xe ô tô thương hiệu Việt, chúng ta có xe VinFast, Thaco, đặc biệt xe Bus Thaco đã nội địa hoá lên trên 60%, đã xuất khẩu sang Thái Lan, Philippines, Đài Loan, Singapore, Campuchia; còn xe tải sơ mi rơ móc, Thaco đã xuất khẩu sang Mỹ với tỷ lệ nội địa hoá 35%-45%. Ngay cả xe ô tô con Mazda, Peugeot của Nhật Bản và Pháp, cũng được Thaco nội địa hoá 15%-25%.
Muốn biết Thaco và Việt Nam đã sản xuất được gì trong chiếc ô tô, hãy vào khu công nghiệp phụ trợ ô tô Chu Lai, Quảng Nam rộng 120 ha, thăm quan 12 nhà máy sản xuất: Nhà máy nhíp, nhà máy linh kiện, thân vỏ ô tô, nhà máy ghế ô tô, nhà máy sản xuất máy lạnh ô tô, nhà máy linh kiện nội thất ô tô, nhà máy kính ô tô, nhà máy linh kiện nhựa, nhà máy linh kiện composite, nhà máy phụ tùng điện, nhà máy keo và dung dịch (các nhà máy này được khánh thành từ năm 2006 đến 2018).
Có thể nói rằng, tư duy phải sản xuất hết các chi tiết, các linh kiện của ô tô, phải sản xuất được các chi tiết kim loại, phải sản xuất cả thép làm vỏ ô tô là tư duy quá cũ và lạc hậu, không phù hợp với nền sản xuất theo chuỗi cung ứng của thế giới hiện tại, “cứ tư duy như vậy thì mãi mãi chỉ hít khói mà thôi”
Đỗ Cao Bảo