Nhận tấm bằng kỹ sư loại giỏi sau 5 năm học, Lan từng tràn đầy nhiệt huyết, kỳ vọng gắn bó với nghề. Nhưng sau vài tháng, nữ kỹ sư dần cảm thấy “vỡ mộng”.
Đỗ Thị Lan, sinh năm 1996, là cựu sinh viên ngành Kỹ thuật hạ tầng đô thị, Trường ĐH Giao thông Vận tải. Tốt nghiệp với tấm bằng Giỏi, nữ sinh quê Thanh Hóa quyết tâm phải bám trụ với nghề. Nhưng khi ra trường một thời gian, Lan bắt đầu cảm thấy “vỡ mộng”.
“Dù đã đầu tư biết bao công sức, tiền bạc để học hành trong suốt 5 năm, nhưng khi ra trường, tôi thấy mình không có gì ngoài tấm bằng tốt nghiệp”.
Thời gian đầu, công việc của Lan chủ yếu ngồi văn phòng thiết kế, thi thoảng phải ra công trường khảo sát thực tế. Dù không quá vất vả nhưng công việc này đòi hỏi sự đầu tư nhiều chất xám. Dẫu vậy, mức lương Lan nhận về vẫn chỉ ba cọc ba đồng, thậm chí thua cả những người bạn là nhân viên tư vấn điện thoại.
“Nhìn các anh chị đi trước trong nghề còn cảm thấy buồn hơn. Có người làm tới 5 – 10 năm nhưng mức lương nhận được vẫn bọt bèo, trong khi thời gian công sức bỏ ra quá lớn.
Tôi thấy nghề của mình bạc quá, không nhìn thấy tương lai. Trong khi đó, nhiều người bạn của tôi không đi theo con đường đại học, giờ vẫn kiếm tiền rất giỏi”.
Suốt một thời gian dài sau khi ra trường, Lan buồn tủi, hụt hẫng, hối hận vì đã lựa chọn học đại học; loay hoay trong mớ suy nghĩ hỗn độn: “Bước đi nào mới giúp thay đổi cuộc sống của mình đây?”, “Chẳng lẽ cuộc đời mình chỉ dừng lại đến thế thôi sao?”, “Mình chấp nhận ngày nào cũng lặp đi lặp lại công việc như một cái máy?”…
Một thời gian sau, Lan quyết định bỏ việc, chuyển hẳn sang bán hàng online.
Dẫu không còn làm trong ngành nhưng sau 4 năm, khi nhìn nhận lại, Lan thừa nhận việc học đại học đã giúp ích cho mình rất nhiều trong cách tư duy và xử lý vấn đề.
“Tôi nhận ra bản thân trước đây cũng giống như rất nhiều bạn trẻ khác, đều kỳ vọng quá nhiều ở tấm bằng đại học. Vì thế, mức lương khi mới ra trường chưa cao thường có tâm lý hụt hẫng.
Nhưng thực tế, mức lương còn phụ thuộc vào giá trị của sức lao động mà mình tạo ra. Đa số sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn cũng như tư duy xử lý vấn đề còn hạn chế, nên mức lương ra trường chỉ 6 – 7 triệu là điều hợp lý”.
Nhận mức lương thấp là do thiếu sự năng động
Từng gặp không ít sinh viên trăn trở với câu hỏi “Có cần học đại học hay không khi ra trường vẫn nhận mức lương thua cả những người làm công nhân, chạy xe ôm công nghệ”, ThS Nguyễn Bá Phong (Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghiệp Vinh) nhìn nhận: “Bản chất của thu nhập chính bằng giá trị tạo ra nhân số lượng người sử dụng”.
“Giá trị tạo ra không phụ thuộc vào việc bạn là người lao động chân tay hay lao động trí tuệ. Bởi lẽ, lao động trí tuệ nếu tạo ra ít giá trị sẽ nhận về thu nhập thấp, trong khi lao động chân tay nếu tạo ra nhiều giá trị sẽ nhận về thu nhập cao hơn”.
Với những người lao động trí óc có thu nhập thấp, theo ông Phong, đó thường là những người làm các công việc lặp đi lặp lại nhàm chán, không có sự sáng tạo, không đòi hỏi việc vận dụng sức lao động quá lớn. Vì thế, muốn có thu nhập cao hơn, người lao động buộc phải tạo ra được giá trị cho tổ chức, doanh nghiệp.
“Nếu cảm thấy bản thân có khả năng nhưng làm việc trong môi trường không phù hợp hoặc không giúp mình tạo ra nhiều giá trị hơn, người trẻ cần tìm một môi trường mới thích hợp để phát huy tài năng.
Những người chỉ ngồi yên một chỗ, liên tục ca thán về mức lương thua công nhân dù tốt nghiệp đại học, thực chất đều đang thiếu sự năng động, lười học tập và không cầu tiến. Bởi thực tế, doanh nghiệp thường trả lương theo giá trị người lao động tạo ra chứ không dựa trên bằng cấp của họ”.
Để không rơi vào tình trạng “hụt hẫng về mức lương sau khi ra trường”, ThS Nguyễn Bá Phong cho rằng ngay từ sớm, người học cần xác định mong muốn sẽ làm những công việc lao động chân tay hay lao động trí óc. Điều này phụ thuộc vào khả năng và xu hướng tính cách của mỗi trẻ.
“Nếu yêu thích các công việc lao động chân tay, không cần thiết phải lựa chọn đại học. Nhưng nếu đã theo đuổi con đường đại học, cần xác định trong giai đoạn đầu, có thể mức thu nhập chưa cao vì phải làm việc để lấy kinh nghiệm. Sau đó, cần liên tục vận động tìm cách tạo thêm giá trị để đem lại thu nhập cao hơn”.
Theo ông Phong, đại học là một khoản đầu tư cả về thời gian, tuổi trẻ, tiền bạc… do đó cần phải đầu tư khôn ngoan, chọn trường và ngành học sao cho 4 năm đại học không hoài phí.
“Hiện nay, nhiều người nghĩ rằng học xong đại học, lượng kiến thức thu nhận được ở bậc học này đủ để đi kiếm tiền. Nhưng đó là một sai lầm. Vào đại học chỉ là bước đệm đầu tiên của người lao động trí óc. Sau đó, họ vẫn tiếp tục phải học tập không ngừng”.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến tối ngày 30/7 - sau 20 ngày mở hệ thống xét tuyển đại học, hơn 660.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng.
Trong khi đó, tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trước kỳ thi tốt nghiệp (có tài khoản trên hệ thống) là khoảng 951.900. Điều này đồng nghĩa gần 292.000 (30,7%) thí sinh đã không chọn con đường vào đại học.
Áp lực về việc làm, mức lương sau khi tốt nghiệp, trước cánh cửa đại học, nhiều em đã do dự. Thay vì "cân não" đăng ký các nguyện vọng vào đại học, không ít em đã chọn lối đi riêng - học nghề như thẩm mỹ, nấu ăn, lái xe... Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Độc giả có thể gửi ý kiến vào phần bình luận dưới bài viết hoặc email Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!
Nguyên nhân sự trỗi dậy 'chủ nghĩa hoài nghi hiệu quả giáo dục đại học'Sự gia tăng của "chủ nghĩa hoài nghi giáo dục đại học" (Higher education skepticism) là do sự kết hợp của các yếu tố như kinh tế, xu thế thị trường... đã tác động đến nhận thức, thái độ của công chúng đối với các hệ thống giáo dục truyền thống.