Đây là lần đầu tiên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức lễ trao bằng cử nhân ở sân khấu ngoài trời.
Theo thống kê của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, năm học 2020-2021, nhà trường có 1.522 sinh viên được công nhận tốt nghiệp, trong đó có 170 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, 675 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi. Năm học 2021-2022, nhà trường có 1.318 sinh viên được công nhận tốt nghiệp, trong đó có 192 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, 665 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi.
Trong buổi lễ bế giảng, các sinh viên đã cùng nhau lưu lại những khoảnh khắc đẹp.
Phát biểu tại buổi lễ, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chúc mừng các tân cử nhân và không quên nhắn nhủ từ nay, các em có bổn phận và trọng trách cao cả của những người làm giáo dục.
“Giáo dục, trước hết và trên hết là hướng con người sống tử tế, sống có trách nhiệm, sống bằng tình yêu thương, bằng bao dung và độ lượng. Tiếp đến là hướng họ đến sự trung thực, bản lĩnh và dám chinh phục những điều mới lạ; và cuối cùng là họ dám dấn thân để hành động thông minh góp sức xây đời.
Giáo dục phải bắt đầu từ những điều gần gũi, bắt đầu từ trong nhà mới ra ngoài ngỏ.
Phải bắt đầu để mỗi trẻ biết thương cha, thương mẹ, biết cảm thông với nỗi nhọc nhằn, biết bưng bát cơm là chắt chiu từng hạt, biết hỏi han khi mẹ cha trái gió, trở trời.
Giáo dục để trẻ đến với nhau bằng tình thương trang lứa, để mỗi em thơ không mặc cảm giàu nghèo”.
Thầy Minh cho hay, cái cao cả của một nền giáo dục không phải chỉ tạo ra các chuyên gia thật giỏi giang, mà thành công trước tiên là tạo ra những con người ứng xử văn minh và có tấm lòng rộng lượng.
“Giáo dục để mỗi trẻ biết yêu thương đồng chua nước mặn, biết quý cái dải cát trắng trải dài, biết thương vách đá cheo leo và biết ơn đến từng nắm đất.
Giáo dục để mỗi trẻ biết một thời đau thương đất nước, biết thương non sông này đã mấy bận chia đôi; biết ơn hàng triệu người đã hòa vào lòng đất để bình yên có được hôm nay.
...Khi mỗi người biết yêu thương, tự nhiên trong họ sẽ sinh ra trách nhiệm”.
GS Minh cũng căn dặn các học trò của mình hãy là những người khiêm tốn.
“Mình không phải là thần tượng và đừng tự biến mình thành thần tượng. Mình phải là hiện thân của sự bình thường, có đúng, có sai và khi lỗi lầm thì nhận ra để sửa. Chúng ta không thể dạy học sinh can đảm và trung thực khi chính mình không dám đối diện với sự thật. Đừng đem cái hiểu biết hữu hạn của mình để giới hạn cái vô hạn trong trí tưởng của trẻ thơ”.
Thầy Minh cũng nhắn nhủ các tân cử nhân hãy đem sức trẻ, đem niềm vui và gieo khát vọng cho mỗi trẻ thơ. Hãy dám thử sức với cuộc đời rồi những gì tốt hơn sẽ đến.
“Cuộc đời không bình yên như các em từng nghĩ. Phía bình minh cũng có lúc là nơi bão tố bắt đầu. Thầy tin rằng, những gì chắt lọc từ mái trường này, từ trải nghiệm cuộc sống sẽ giúp các em đứng vững trước cuộc đời và rồi can đảm đi lên. Thầy nhắc lại rằng, yêu thương và bao dung, tha thứ sẽ cảm hóa dần những bất cập cuộc đời; không đố kỵ và khắc ghi lỗi lầm người khác sẽ cho ta thanh thản cả tâm hồn”.
Với các giáo viên tương lai, thầy Minh cho hay, các em cần hiểu giữa khát vọng, đam mê và cuộc sống thực có lúc không đồng điệu, dung hòa và không hề đơn giản.
Khi ở giữa yêu cầu của thời đại, của đất nước, giữa đòi hỏi của phụ huynh, giữa mong muốn của học sinh, để các em làm tốt bổn phận của mình là điều không hề dễ.
“Chúng ta đang ở giữa những biến động của thời cuộc, giữa những giá trị có lúc bị xê dịch nên những ai không đủ can đảm và bản lĩnh thì rất khó thực hiện tốt trọng trách cao quý của mình. Nếu mục đích tối thượng chỉ là tiền bạc thì nghề dạy học sẽ không thỏa mãn cho bạn, nên tìm việc khác phù hợp hơn; và nếu chỉ vì điều đó mà đánh mất lòng tự trọng thì không nên chọn làm nhà giáo. Hãy đủ tỉnh táo để có một quan niệm về ý nghĩa của cuộc đời và công việc một cách dung hòa”.
GS Minh khuyên, bằng nhiều cách khác nhau, các tân cử nhân sư phạm hãy nhắn nhủ với phụ huynh học sinh rằng, trước khi dạy con họ trở thành thiên tài, hãy cùng nhau giáo dục để con họ trở thành người tử tế.
“Nói với phụ huynh rằng, đừng bắt con cái họ phải thực hiện ước mơ dang dở của họ mà hãy để cho trẻ thỏa mãn ước mơ của chúng.
Bằng nhiều cách khác nhau, các em giúp trẻ nói thật, dám nói thật, dù đó là lỗi lầm, là sai trái; chỉ dám nói thật thì người ta mới dám nhận lỗi và sửa lỗi, để rồi các trẻ đó sẽ trở thành người dám bảo vệ sự thật”.
Thanh Hùng