Sau khi tốt nghiệp, không có việc làm đúng với trình độ, chuyên môn được đào tạo, nhiều TN Thanh Hóa đang có xu hướng học lại nghề để có việc làm.
Khảo sát việc làm để hướng nghiệp
Theo kết quả khảo sát, thống kê số lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN) chưa có việc làm và nhu cầu việc làm của ĐVTN năm 2014 (thời điểm khảo sát tháng 6/2014) của Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh Thanh Hóa (gọi tắt là Trung tâm) cho thấy: Tổng số hơn 226 nghìn ĐVTN được điều tra, trong đó TN có việc làm nhưng không ổn định, hoặc việc làm theo thời vụ chiếm 32,1%. Nguyên nhân là do TN chưa có nghề chuyên môn, chưa có kinh nghiệm, kỹ năng làm việc; chưa tìm được việc phù hợp, thiếu thông tin về việc làm...
Ảnh: Hoàng Lam |
Một thống kê sơ bộ năm 2013 của ngành GD- ĐT Thanh Hóa cho thấy có tới gần 25.000 người tốt nghiệp các trường TC, CĐ, ĐH, trên ĐH trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn về tìm kiếm việc làm. Đến nay, nhiều người tốt nghiệp các hệ đào tạo trên phải tự tìm việc làm bằng nghề “tay trái”.
Ông Hoàng Thanh Hà - Giám đốc Trung tâm - cho biết: “Trung tâm chú trọng vào hoạt động tư vấn, hướng nghiệp là chính. Vì vậy, đơn vị đã chủ động phối hợp với ngành giáo dục triển khai tư vấn hướng nghiệp trước khi học sinh tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, phối hợp với các trung tâm dạy nghề để mở các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm; nỗ lực tìm kiếm các đối tác để đào tạo và giới thiệu việc làm cho TN. Trung tâm thực hiện khảo sát tình trạng việc làm của TN vừa qua để có kế hoạch, phương án cụ thể hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm giảm bớt tình trạng thiếu việc làm, hoặc việc làm không ổn định cho ĐVTN thời gian tới”.
Thực tế, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ TN thất nghiệp ở Thanh Hóa còn cao là do việc hướng nghiệp còn rất hạn chế. Kết quả khảo sát tại thời điểm tháng 6/2014 cũng cho thấy 38,4% (trên tổng số 127.561 ĐVTN) có mong muốn được đào tạo nghề, đào tạo chuyên môn; 25,9% ĐVTN mong muốn được cung cấp các thông tin việc làm, để lựa chọn việc làm phù hợp.
Cất bằng cấp, đi học nghề để kiếm việc
Sau khi tốt nghiệp, không có việc làm đúng với trình độ, chuyên môn được đào tạo, nhiều TN Thanh Hóa đang có xu hướng học lại nghề để có việc làm.
Tháng 4/2014, Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm TN Thanh Hóa phối hợp Cty Bảo vệ an ninh dầu khí Việt Nam mở khóa đào tạo “Bảo vệ an ninh dầu khí Việt Nam”. Khóa học đã xét tuyển được 153/325 hồ sơ xin tham gia. Trong số 153 hồ sơ trúng tuyển, có 57 hồ sơ học viên có bằng CĐ, ĐH.
Trong một tháng, các học viên được đào tạo các nội dung như: phòng cháy chữa cháy, bảo vệ, võ thuật, sơ cấp cứu, kỹ năng an ninh... Sau khi tốt nghiệp, 100% học viên được bố trí việc làm tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), văn phòng tại Hà Nội; thu nhập trung bình từ 5- 8 triệu đồng/lao động/tháng.
Trong số học viên trên, có 32 học viên có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, đang tiếp tục được đào tạo ở trung tâm, để vào các vị trí phiên dịch, vị trí bảo vệ thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Ngoài ra, trung tâm cũng vừa giới thiệu 80 TN đi đào tạo nghề may một tháng để về làm cho Cty TNHH may Kim Sơn (Ninh Bình), trong đó, 32 lao động có bằng CĐ, ĐH.
Bạn Đoàn Thị Thủy (SN 1985) quê ở xã Hà Đông, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý kinh tế, Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội) năm 2009. Ra trường, không xin được việc làm, có cơ hội tham gia khóa đào tạo làm bảo vệ, Thủy đã nộp hồ sơ tham gia.
Kết thúc khóa học, Thủy đã được bố trí làm bảo vệ tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Thủy tâm sự: “Tâm lý phổ biến của con gái là không thích làm công việc bảo vệ, nhưng hiện nay tìm kiếm việc làm rất khó khăn. Em cảm thấy hài lòng khi làm công việc này với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng. So với nhiều bạn, em đã có việc làm, thu nhập, thế là hạnh phúc rồi.”
Anh Nguyễn Thành Lương, Phó bí thư Tỉnh Đoàn Thanh Hóa thừa nhận thực trạng nhiều lao động trong độ tuổi TN tốt nghiệp từ các trường CĐ, ĐH đang tham gia các khóa đào tạo nghề ngắn hạn để có việc. Tỉnh Đoàn Thanh Hóa đang khảo sát, đánh giá toàn bộ tình trạng việc làm của thanh niên. Sau đó sẽ xây dựng các phương án cụ thể để cùng với ngành chức năng giảm thiểu số lượng lao động không có việc làm, hoặc có việc nhưng không ổn định...
Theo Hoàng Lam (Tiền phong)