Chiều 26/5, lần đầu tiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Cần chú ý giám sát về nội dung trả lời
Đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) cho rằng, việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân cả nước.
Tuy nhiên, đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận với những kiến nghị cụ thể, việc trả lời một số bộ, ngành nhiều khi còn chung chung, mang tính viện dẫn luật nọ, điều kia mà không hướng dẫn lộ trình giải quyết cụ thể.
“Điển hình là một số vụ việc về giải quyết kiến nghị đối với người có công, kiến nghị xây dựng các công trình giao, thông thủy lợi tại địa phương. Điều này khiến cho cử tri cảm thấy không thỏa đáng khi nhận các văn bản trả lời”, đại biểu tỉnh Quảng Bình nói.
Ngoài ra, đại biểu cũng cho hay, một số văn bản trả lời không mang tính hướng dẫn, giải quyết, điều mà cả cử tri và cơ quan địa phương đang trông chờ. Một số cơ quan, ban, ngành trả lời không đúng trọng tâm, trọng điểm...
Từ đó, đại biểu Nguyễn Tiến Nam đề xuất, với những vấn đề mang tính sự vụ, cụ thể, các vụ việc về xử lý chế độ, chính sách cho người có công hay các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về quy trình, thủ tục mà địa phương đang bế tắc, cần có sự hướng dẫn cụ thể, trả lời chi tiết.
Từ đó, cử tri, các sở, ngành liên quan áp dụng, giải quyết được tận gốc. Bởi lẽ, đây là quy trình giải quyết kiến nghị chứ không chỉ là trả lời kiến nghị.
Đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có 90/90 ý kiến nghị của cử tri tỉnh gửi tới kỳ họp Quốc hội khóa XV đã được trả lời, trong đó có nhiều kiến nghị được giải quyết dứt điểm, được đông đảo cử tri đồng thuận.
Cụ thể như ý kiến đề nghị công nhận liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Trần Đình Thi nhờ vào sự đã được giải quyết, khép lại 43 năm tìm kiếm sự thật của gia đình liệt sĩ.
Đây là vụ việc dược Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Ban Dân nguyện đưa vào giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và yêu cầu khẩn trương xử lý.
Bên cạnh đó, đại biểu Huấn cũng nêu thực tế, qua giám sát cho thấy một số kiến nghị tuy đã được các bộ, ngành tiếp thu, giải quyết nhưng còn chuyển biến chậm nên cử tri bức xúc, tiếp tục kiến nghị.
Cụ thể, cử tri tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là cử tri các vùng có căn cứ cách mạng như các huyện ATK, Định Hóa, Võ Nhai, Đại Từ đã có nhiều kiến nghị về việc bố trí kinh phí đầu tư cho quốc lộ 17, quốc lộ 1B, quốc lộ 3C để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, tạo tính lan tỏa, kết nối giao thông.
Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản trả lời nhưng trong quá trình giải quyết vẫn còn khó khăn về nguồn lực chưa được giải quyết.
Từ đó, ông Huấn kiến nghị, Ban Dân nguyện cần chú ý giám sát về nội dung trả lời, thực hiện các kiến nghị đối với vụ việc còn chậm, nhiều bức xúc, nổi cộm, đã được trả lời nhưng chưa có chuyển biến tích cực.
Đường cao hơn nhà 4,2m
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, để nâng cao chất lượng tiếp thu ý kiến, kiến nghị cử tri, không nên tập trung vào tiếp xúc cử tri thường kỳ mà cần tăng cường vai trò giám sát thông qua những hoạt động cụ thể.
Thực tế có nhiều việc có thể ban đầu nội dung không trực tiếp tác động đến người dân. Khi đối chiếu với các quy định hiện hành thì không sai nhưng trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện thì lại gây ra những tác động gián tiếp, ảnh hưởng lớn, gây bức xúc, rất cần quan tâm, xem xét thấu đáo để có những cơ chế, chính sách hợp lý.
Bà dẫn chứng, hiện Bộ Giao thông vận tải đang thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19. Đây là một dự án có ý nghĩa rất quan trọng, tăng cường kết nối giao thông giữa tỉnh Bình Định với Tây Nguyên.
“Tuy nhiên, đoạn qua xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định ban đầu người dân ủng hộ chủ trương nhưng quá trình triển khai thực hiện dự án lại nảy sinh ra các bức xúc. Bởi vì, thực tế nhà đang ở mặt tiền quốc lộ bỗng chốc trở thành nhà nằm sâu dưới đường, có những đoạn nằm sâu tới 4,2m so với bề mặt”, bà Hạnh nêu thực tế.
Qua tiếp thu ý kiến kiến nghị cử tri thì đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp tích cực với địa phương cơ bản giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và giảm khiếu nại, khiếu kiện, bức xúc của người dân.
“Qua sự việc cụ thể này, tôi kiến nghị rằng khi triển khai các chính sách rất cần sự đánh giá tác động kỹ lưỡng, cân nhắc, xem xét các tác động trực tiếp, gián tiếp để có các quy định hợp lý, hợp tình ngay từ đầu sẽ góp phần giảm thiểu khiếu kiện”, nữ đại biểu tỉnh Bình Định nói.