Sáng 22/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng tổ ĐBQH, đơn vị số 4 TP.HCM đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 10.
Nêu ý kiến với tổ đại biểu, cử tri Định Thị Ngọc (phường 8, quận 10) cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn những hạn chế, tồn tại.
“Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh.... Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”, cử tri Ngọc nói.
Qua đó, cử tri này đề nghị Đảng, Nhà nước cần phải thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp và quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá các ý kiến phát biểu là chân thành, thẳng thắn, tâm huyết và luôn đặt cái chung lên trên cái riêng, lo cho sự phát triển của đất nước.
Theo Chủ tịch nước, trong 11 ý kiến phát biểu, cử tri quan tâm đến phòng, chống tham nhũng và yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa là xác đáng.
Chủ tịch nước cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua được Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành, địa phương luôn quan tâm và làm rất tốt, đạt được những kết quả tốt.
Người đứng đầu Nhà nước chia sẻ, để công tác phòng, chống tham nhũng đạt kết quả cao thì phải đẩy mạnh phòng ngừa trước khi chống.
Theo Chủ tịch nước, điều cốt yếu là phát triển kinh tế để ổn định đời sống xã hội, nâng cao đời sống cán bộ, công viên chức để hạn chế tiêu cực. Do đó, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề cải cách tiền lương để ổn định cuộc sống nhân dân và cán bộ, công viên chức.
Bên cạnh phòng, chống tham nhũng, theo Chủ tịch nước, đẩy mạnh công tác phòng, chống lãnh phí cũng là vấn đề cần quan tâm. Vì đây cũng là vấn nạn còn nghiêm trọng hơn cả tham nhũng.
Cũng theo Chủ tịch nước, TP.HCM là siêu đô thị, đông dân nên vẫn còn một bộ phận người nghèo, chưa ổn định cuộc sống. Do đó, Chủ tịch nước yêu cầu chính quyền TP.HCM quan tâm hơn, có nhiều chính sách hơn đối với người nghèo. Cần phát huy những mô hình tiêu biểu trong công tác chăm lo cho người nghèo, đồng bào tôn giáo trên tinh thần “để không ai bị bỏ lại phía sau”.
Các ý kiến lo lắng của cử tri về tình hình xăng dầu, về thị trường tài chính, bất động sản…Chủ tịch nước yêu cầu chính quyền TP.HCM quan tâm để giải quyết các vấn đề này.
Trong đó, cần phối hợp với Bộ Công Thương để tìm nguyên nhân việc thiếu xăng cục bộ; xây dựng cơ chế phù hợp để ổn định thị trường xăng dầu.
Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để ổn định và phát triển thị trường bất động sản, thị trường tài chính...
Bày tỏ vui mừng trước kết quả phục hồi kinh tế của TP.HCM, Chủ tịch nước cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức mà TP đang đối mặt. Qua đó, ông yêu cầu TP tiếp tục quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định phát triển, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, cải cách hành chính trên tinh thần phục vụ nhân dân, doanh nghiệp đầy trách nhiệm.
Để kinh tế phát triển hơn, TP cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công, vì đây là vấn đề mà TP chưa làm tốt.
Cùng với đó, tập trung khắc phục các vấn nạn ngập úng, kẹt xe, ô nhiễm môi trường…để TP.HCM phát triển xanh, sạch và đẹp hơn.