Tôi cảm thấy Bộ Công Thương có vẻ đang can thiệp hơi sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tại dự thảo này, Bộ tiếp tục đưa ra những yêu cầu về diện tích, số lượng tên hàng… đối với siêu thị, cửa hàng tiện lợi... Theo lập luận của cơ quan soạn thảo, các tiêu chí này được xây dựng theo hướng đây là quy chuẩn kỹ thuật. Nhưng trong tiêu chuẩn kỹ thuật này lại có nhiều thứ liên quan đến điều kiện kinh doanh. Nói chính xác ra đó chính là các điều kiện kinh doanh được thể hiện tại một Thông tư.
Nếu các điều kiện kinh doanh này giả sử thực sự cần thiết thì Bộ Công Thương hoàn toàn có thể đưa vào Nghị định. Nhưng thực tế, có những điều kiện đưa ra thực sự vô lý, không sát thực tiễn và tôi có cảm giác lâu nay họ quản lý theo kiểu cứ có loại hình thương mại mới xuất hiện là phải quản lý. Đặc biệt là các quy định đối với cửa hàng tiện lợi. Không ai lại đưa ra một tiêu chuẩn bất hợp lý như thế. Đây mới là dự thảo thôi, nhưng tôi đang nhìn thấy một xu hướng các điều kiện kinh doanh bắt đầu phát triển thêm ra, không chỉ trong lĩnh vực Công Thương.
Nếu có những quy chuẩn kỹ thuật để được phân loại thế nào là siêu thị hạng I, hạng II, hạng III, thì quy chuẩn ấy cần phải đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế. Một loại hình hạ tầng thương mại gọi là siêu thị hay cửa hàng thì có ảnh hưởng gì thu nộp thuế không, ảnh hưởng gì đến lợi ích của người tiêu dùng không? Vấn đề là tôi không nhìn thấy việc đưa ra các điều kiện ấy để đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích của người tiêu dùng hay lợi ích của quản lý nhà nước nào mà tôi chưa nhìn thấy được.
Trong khi đó, các điều kiện kinh doanh đặt ra phải đáp ứng được lợi ích quốc gia, lợi ích cho người tiêu dùng, trật tự xã hội, sức khỏe người dân như thế nào. Những tiêu chí đưa ra tại dự thảo tôi không rõ bảo vệ cho cái gì. Có thể tôi chưa đủ thông tin để biết được việc đó.
Ngoài ra, các tiêu chí đưa ra với siêu thị, trung tâm thương mại không khác gì Quyết định 1371 ban hành 18 năm trước. Đó là điều rất bất bình thường. Hiện nay siêu thị không cần phải có diện tích bao nhiêu vì nhiều siêu thị thuê kho hàng ở địa điểm khác. Công nghệ giờ thay đổi rất nhiều, siêu thị đâu cần phải đặt hết hàng ra ngoài kệ, như vậy đâu cần phải đưa ra yêu cầu siêu thị phải bán bao nhiêu mặt hàng mới được công nhận là siêu thị loại I, II hay III. Thậm chí siêu thị giờ có thể đặt kho hàng ở ngay nhà sản xuất. Phải hiểu rằng kinh doanh online giờ phát triển rất mạnh và các siêu thị cũng đang tận dụng kênh phân phối này. Amazon có gọi là siêu thị không? Shopee gọi là gì? Họ còn lớn hơn cả đại siêu thị mà không cần phải được xếp hạng là siêu thị. Cho nên tôi thấy rằng cơ quan soạn thảo đang dùng cách thức quản lý cũ cho phương thức phát triển mới là sai hoàn toàn.
Cửa hàng tiện lợi khác gì cửa hàng tạp hóa trong khu dân cư không? Tại sao không quản lý các cửa hàng tạp hóa đó mà lại quản lý cửa hàng tiện lợi. Phải chăng do tôi chưa tiếp cận được Tờ trình của Bộ Công Thương nên chưa hiểu hết được quan điểm của Ban soạn thảo. Nhưng tôi đoán có tiếp cận được thì họ cũng không thuyết phục được tôi.
Nhưng câu chuyện của dự thảo Thông tư này gợi cho tôi nhiều mối quan ngại lớn hơn về môi trường kinh doanh. Thời gian vừa qua tôi thấy việc cải thiện môi trường kinh doanh có nhiều vấn đề. Đó là đang có hiện tượng ít chú trọng thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh. Vì không có sự chỉ đạo, thúc ép nên các Bộ không chịu sức ép, không có áp lực cải cách. Khi không có áp lực thì không có ai thay đổi, không có ai cải cách cả. Cho nên mới có hiện tượng khôi phục hoặc phát triển thêm các điều kiện kinh doanh.
Tôi cũng thấy rằng nhiều cơ quan, tổ chức nhiều năm trước tiên phong trong giám sát việc cải cách môi trường kinh doanh, cắt bỏ giấy phép con, điều kiện kinh doanh cũng đang ngày càng yếu dần đi, hoặc không còn giữ được vai trò tiên phong nữa. Đó là những thách thức quá lớn của môi trường kinh doanh.