Giá trị dinh dưỡng
Theo Webmd, thịt cua có nhiều chất dinh dưỡng tương tự các loại hải sản phổ biến khác nhưng có hàm lượng thủy ngân thấp hơn cá mú, cá ngừ. Cua rất giàu vitamin B3, B9, B12, sắt, selen, kẽm. Trong cua chín có nhiều protein, chất béo; không có carbohydrate, chất xơ, đường.
Tác dụng
Cua chứa nhiều protein, rất quan trọng để xây dựng và duy trì cơ bắp. Cua cũng chứa hàm lượng cao axit béo omega-3, vitamin B12 và selen. Các chất này đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe nói chung, ngăn ngừa nhiều tình trạng mạn tính.
Cải thiện sức khỏe tim mạch: Axit béo omega-3 trong cua mang lại nhiều lợi ích liên quan đến tim mạch. Những chất dinh dưỡng quan trọng này có thể giảm chất béo trung tính, giảm đông máu và làm cho bạn ít có khả năng bị nhịp tim thất thường.
Ngăn ngừa bệnh thiếu máu: Vitamin B9, B12 giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu vitamin. Những người bị thiếu máu do thiếu vitamin không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc suy nhược.
Tăng cường sức khỏe não bộ: Nghiên cứu cho thấy những người ăn hải sản, chẳng hạn như cua, ít nhất một lần mỗi tuần sẽ giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer. Tác dụng này có thể xuất phát từ hàm lượng axit béo omega-3 có trong hải sản.
Nguy cơ
Cua có thể chứa ít thủy ngân hơn nhiều loại hải sản khác nhưng vẫn có thể là mối lo ngại tùy thuộc vào cách chế biến. Thịt cua nâu cũng có nguy cơ chứa hàm lượng cadmium cao, gây độc nếu bạn ăn quá nhiều.
Cua còn chứa nhiều natri (376mg trong khẩu phần 85g cua). Nếu muốn ăn thủy hải sản ít muối hơn, bạn nên chọn cá hồi, cá bơn, ngao.
Những người nên cảnh giác khi ăn cua
Những người có tiền sử dị ứng, nổi mề đay, hen suyễn dị ứng, viêm da dị ứng, đặc biệt là trẻ em, người già và phụ nữ mang thai có cơ địa dị ứng, cân nhắc không ăn cua.
Bệnh nhân viêm túi mật, sỏi mật, viêm gan, viêm tụy cấp và các bệnh tim mạch, mạch máu não nặng cố gắng ăn ít hoặc không ăn cua. Đặc biệt, không ăn cua cùng lúc với uống rượu khiến bệnh nặng thêm hoặc gây ra biểu hiện cấp tính.
Những người bị tiêu chảy, đau bụng, cảm lạnh, sốt, tỳ vị yếu không nên ăn cua vì đó là loại thực phẩm có tính lạnh, hàm lượng protein, chất béo cao, khó hấp thu. Theo Panshengzhi Health, nếu ăn quá nhiều cua sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khó chịu ở đường tiêu hóa, gây đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa…
Phụ nữ mang thai có thể trạng lạnh, yếu không thích hợp ăn cua, nguy cơ sảy thai.
Trẻ nhỏ không thích hợp ăn cua vì hàm lượng protein cao trong cua sẽ làm tăng gánh nặng cho gan và thận.
Lưu ý
- Phải ăn cua tươi sống: Chất dinh dưỡng của cua không tươi sống bị mất đi, một lượng lớn vi khuẩn và độc tố có thể dễ dàng sinh sôi trong quá trình bảo quản, dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
- Nấu chín kỹ: Để tiêu diệt ký sinh trùng và mầm bệnh có hại, cua phải được nấu ở nhiệt độ cao 100 độ C trong 20 đến 30 phút.
- Đừng ăn quá nhiều: Chỉ cần ăn một hoặc hai con để thỏa mãn cơn thèm. Nếu chỉ dựa vào cua để lấp đầy dạ dày, bạn có thể tiêu thụ quá nhiều chất béo, protein, purine…