Chiều 19/7, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết kế hoạch phối hợp công tác quản lý nhà nước năm 2019 - 2020 giữa Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT - Bộ TT&TT) với Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Hà Nội.
Đây là một phần của Biên bản thoả thuận hợp tác ký ngày 18/5/2017 giữa Cục PTTH&TTĐT và Sở TT&TT Hà Nội. Theo đó, 2 đơn vị sẽ phối hợp với nhau trên nhiều vấn đề về công tác quản lý nhà nước của ngành TT&TT.
Các nội dung này bao gồm việc tham mưu xây dựng chính sách và quản lý nhà nước về phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật; công tác xây dựng, chia sẻ thông tin và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động trong lĩnh vực PTTH&TTĐT.
Lễ ký kết kế hoạch phối hợp công tác quản lý nhà nước năm 2019 - 2020 giữa Cục PTTH&TTĐT với Sở TT&TT Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, trong thời gian qua, Cục đã ký thoả thuận hợp tác với cả 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Các thoả thuận hợp tác này giúp tạo ra cơ chế làm việc trực tiếp hơn giữa Cục và các Sở TT&TT, từ đó tiến độ công việc được xử lý nhanh hơn, đặc biệt là ở chế độ hậu kiểm và tốc độ xử lý tình huống. Đây chính là thành quả bước đầu của mối quan hệ hợp tác này.
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch công tác chung cho thấy, công tác phối hợp kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trên địa bàn Hà Nội chính là trọng tâm làm việc giữa 2 bên. Theo đó, năm 2018 đánh dấu những thành tích đáng kể trong công tác này ở cả về số lượng và chất lượng vụ việc được xử lý.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT. Ảnh: Trọng Đạt |
Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp chặt chẽ, thông suốt giữa Cục và Sở giúp đảm bảo xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần làm trong sạch, minh bạch và đảm bảo tính công bằng trong cạnh tranh của các tổ chức, cá nhân hoạt động cung cấp thông tin trên mạng. Do vậy, trong giai đoạn 2019 - 2020, Cục PTTH&TTĐT mong muốn mối quan hệ này tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thường xuyên liên tục và ổn định hơn nữa.
Cục PTTH&TTĐT cũng muốn đẩy mạnh tinh thần chủ động phối hợp và trao đổi thông tin, số liệu về tình hình cấp phép các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, trò chơi điện tử cũng như việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực PTTH&TTĐT.
Cục PTTH&TTĐT đề xuất việc tăng cường công tác hậu kiểm đối với các đơn vị đã được cấp phép trong lĩnh vực PTTH&TTĐT. Đồng thời, có biện pháp rà soát, theo dõi, đánh giá và chấn chỉnh phủ hợp đối với các trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động giống cơ quan báo chí, các trang có tên miền nhạy cảm, dễ gây hiểu lầm.
Ông Nguyễn Ngọc Kỳ - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt |
Hiện Bộ TT&TT đang tiến hành rà soát, sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Nghị định 27/2018/NĐ-CP. Để chấn chỉnh hoạt động của trang thông tin điện tử tổng hợp, Cục PTTH&TTĐT đề nghị Sở TT&TT cùng đề xuất các giải pháp, trong đó có việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu và tạm ngừng cấp phép mới các trang thông tin điện tử để tập trung giải quyết các vướng mắc hiện tại.
Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Kỳ - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội đánh giá rất cao mối quan hệ hợp tác giữa Cục PTTH&TTĐT và Sở thời gian qua.
Ông Kỳ cũng bày tỏ mong muốn Cục PTTH&TTĐT tạo điều kiện cho các chuyên viên của Sở được tham dự các buổi làm việc cùng với những đối tác nước ngoài như Facebook, Google để học tập kinh nghiệm xử lý công việc. Bên cạnh đó, Sở TT&TT Hà Nội sẽ tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với Cục PTTH&TTĐT trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, trong lĩnh vực PTTH, ngoài việc xây dựng chính sách văn bản quy phạm pháp luật thì việc xử lý các tình huống sẽ phải gặp rất nhiều, đặc biệt là trong công tác đấu tranh với Google, Facebook. Do vậy, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo yêu cầu Cục PTTH&TTĐT và Sở TT&TT Hà Nội cần tăng cường phối hợp để xử lý tốt các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cũng mong muốn, trong công tác phối hợp thanh kiểm tra, từ những vi phạm, sai xót của địa phương, cơ sở, doanh nghiệp, Cục PTTH&TTĐT và Sở TT&TT Hà Nội sẽ từ đó tìm ra nguyên nhân của các sai phạm là vì đâu, do lỗi chủ quan hay do vấn đề cơ chế chính sách, để từ đó có hình thức xử lý thoả đáng.
Trọng Đạt