Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, hội thao kỹ thuật định vị đài phát vô tuyến để tìm nguồn can nhiễu tần số năm nay có sự tham gia của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Cục.
Ngày 9/6, Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) đã tổ chức hội thao kỹ thuật định vị đài phát vô tuyến. Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, hội thao có 10 đội thi là các đơn vị thuộc Cục Tần số Vô tuyến điện và đặc biệt năm nay có sự tham gia của Cục Kỹ thuật nghiệp vụ - Bộ Công an, Cục Tác chiến điện tử - Bộ Quốc phòng cùng tham gia.
Bài thi của các đội tham gia là tìm nguồn can nhiễu được đặt tại Hà Nội. Đội nào tìm được nguồn nhiễu nhanh nhất và đánh giá chính xác sẽ đoạt giải. Kết quả chung cuộc Trung tâm Tần số Vô tuyến điện Khu vực VII đoạt giải Nhất hội thi.
Phát biểu khai mạc hội thi, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Trưởng ban tổ chức hội thao cho biết, ngày 8/6/2023 là tròn 30 năm thành lập Cục Tần số Vô tuyến điện (8/6/1993 – 8/6/2023). Trong chặng đường đó, Cục Tần số Vô tuyến điện nhận được sự phối hợp chặt chẽ, sự giúp đỡ tận tình của các đơn vị liên quan trong nước, đặc biệt là các đơn vị liên quan thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Cục Tần số Vô tuyến điện cũng nhận được sự phối hợp, hợp tác nhiệt tình, chân thành từ bạn bè quốc tế, từ các tổ chức quốc tế, từ cơ quan quản lý tần số vô tuyến điện của các nước, trong đó có Cục Tần số Vô tuyến điện - Nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Cục Bưu chính và Viễn thông - Nước Cộng hoà Liên bang Myanmar.
“Với sự quan tâm, phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau đó, Cục Tần số Vô tuyến điện đã không ngừng phát triển và ngày càng vững mạnh , đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện tại Việt Nam và hợp tác, hội nhập quốc tế về tần số vô tuyến điện qua các thời kỳ trong chặng đường 30 năm”, ông Trần Mạnh Tuấn nói.
Theo ông Trần Mạnh Tuấn, việc kiểm soát tần số phải được thực hiện thường xuyên, liên tục theo kịp sự phát triển của công nghệ. Là sự chuyển dịch từ công nghệ tương tự sang công nghệ số. Trước đây là băng hẹp nay là băng rộng. Trước đây là tần số thấp, nay mở rộng ở cả tần số cao hơn. Trước đây là công suất lớn, nay là xu hướng công suất nhỏ hơn.
“Kiểm soát tần số được thực hiện ở từng đài kiểm soát, có tính chất rời rạc trong việc thu thập và xử lý dữ liệu thì cần phải chuyển đổi số, ứng dụng dữ liệu, trí tuệ nhân tạo… Chính vì vậy, cứ 5 năm một lần, vào dịp tổ chức sinh nhật Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục tổ chức hội thao kỹ thuật về kiểm soát tần số, vừa là chào mừng ngày sinh nhật, vừa là học hỏi, trau dồi kinh nghiệm và tạo động lực thi đua để công tác kiểm soát tần số ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn", ông Trần Mạnh Tuấn nói.
Lịch sử 30 phát triển của Cục Tần số Vô tuyến điện
Năm 1959, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 344/TTg về quản lý máy phát vô tuyến điện và Nghị định số 345/TTg về quản lý tần số vô tuyến điện. Cùng với đó, các tổ chức quản lý tần số vô tuyến điện được hình thành và hoạt động phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước.
- Trước năm 1978, công tác quản lý tần số vô tuyến điện được giao cho Đài C19 thuộc Cục Điện chính; từ năm 1978 là Vụ Điện chính.
- Tháng 10/1982, Trung tâm Tần số vô tuyến điện thuộc Tổng cục Bưu điện được thành lập.
- Năm 1985, Trung tâm Tần số vô tuyến điện được tách ra thành 2 bộ phận là Phòng Quản lý tần số thuộc Vụ Điện chính và Đài Kiểm soát thuộc Công ty Điện báo Bưu điện Hà Nội.
- Tháng 5/1989, Trung tâm Quốc gia kiểm soát tần số vô tuyến điện thuộc Tổng cục Bưu điện được thành lập; đến năm 1991 đổi tên thành Trung tâm Quốc gia quản lý tần số trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện.
Đầu thập niên 90, thông tin vô tuyến điện trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã có sự phát triển rất mạnh mẽ. Đặc biệt, thông tin di động tế bào thế hệ thứ hai (2G) được triển khai rộng rãi trên thế giới và bắt đầu đưa vào sử dụng ở Việt Nam. Bối cảnh phát triển đó đã đặt ra nhiều vấn đề mới về quản lý tần số vô tuyến điện, đặc biệt Việt Nam cần có một cơ quan quản lý nhà nước đủ lớn mạnh và hiện đại để quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên phổ tần số của quốc gia. Đáp ứng yêu cầu đó, ngày 8/6/1993, Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện đã kí ban hành Quyết định số 494/QĐ-TCBĐ thành lập Cục Tần số Vô tuyến điện.
Thành tựu 30 năm xây dựng và phát triển của Cục Tần số Vô tuyến điện đã chứng minh rằng việc thành lập Cục Tần số Vô tuyến điện là sự đổi mới tư duy, tầm nhìn của Chính phủ, của ngành Bưu điện lúc bấy giờ về quản lý tần số vô tuyến điện, phù hợp với xu thế chung của quốc tế, đón đầu sự phát triển của thông tin vô tuyến ở Việt Nam, góp phần thúc đẩy mở cửa thị trường viễn thông và hội nhập quốc tế.