Theo thống kê của Cục thuế tỉnh Bình Định, trên địa bàn hiện có 15,958 triệu hóa đơn điện tử (HĐĐT) doanh nghiệp mua vào, bán ra do Cục thuế quản lý và 29.308 HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, mang lại hiệu quả cho cục thuế và các doanh nghiệp.
Cục thuế tỉnh cho hay, từ hiệu quả mà HĐĐT mang lại đã xuất hiện nhiều hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp diễn ra tinh vi, phức tạp.
Ứng dụng công nghệ AI vào các nghiệp vụ thuế
Để phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời mua bán hóa đơn bất hợp pháp, Cục thuế tỉnh Bình Định ứng dụng công nghệ AI vào các nghiệp vụ thuế. Hệ thống cảnh báo, phát hiện tự động trường hợp có nguy cơ gian lận HĐĐT.
Trung tâm điều hành HĐĐT của Cục Thuế tỉnh Bình Định thường xuyên rà soát HĐĐT liên quan đến doanh nghiệp trên địa bàn. Hệ thống sẽ cảnh báo tự động cho trung tâm những trường hợp có tần suất xuất hóa đơn quá nhiều, trị giá xuất quá lớn. Sau đó, bộ phận này sẽ chuyển thông tin về cho các chi cục thuế quản lý để giám sát, theo dõi.
Ông Trần Hữu Danh - Giám đốc CNTT Cục thuế tỉnh Bình Định cho biết, hiện Cục thuế tỉnh đang áp dụng truy vét 12 vòng xác định chuỗi rủi ro về hoá đơn mua vào, bán ra có nghi vấn; mua bán lòng vòng giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, từ đó, xây dựng được nhiều mô hình truy vết đường đi của hàng hoá dịch vụ thông qua HĐĐT, nhận dạng các giao dịch và các doanh nghiệp có khả năng vi phạm, đề xuất các biện pháp ngăn chặn.
Bên cạnh đó, Cục thuế tỉnh cũng tiến hành chuyển đổi công tác thanh tra kiểm tra từ phương thức thanh tra, kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp sang kiểm tra tại cơ quan Thuế; cảnh báo doanh nghiệp và cá nhân trên diện rộng và hẹp.
Đã nhận diện được 34 doanh nghiệp có rủi ro về hoá đơn
Trong quá trình kiểm soát, Cục thuế tỉnh Bình Định đã nhận diện được 34 doanh nghiệp và 2 hộ kinh doanh có rủi ro về hoá đơn; chuyển cơ quan điều tra 1 trường hợp có hành vi trốn thuế, chuyển tin báo tội phạm đối với 15 doanh nghiệp sang cơ quan công an theo quy chế 489 của tổng cục thuế.
Qua kiểm tra 4 doanh nghiệp, tăng thu 4,9 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế GTGT 3,75 tỷ đồng. Có 15/29 doanh nghiệp đã bỏ trốn ngay sau khi Cơ quan Thuế phát hành Công văn cảnh báo, 3 doanh nghiệp còn hoạt động nhưng không còn xuất hóa đơn.
Theo ông Danh, kết quả đạt được lớn nhất đó là Cục Thuế tỉnh Bình Định đã thực hiện Cảnh báo đến tất cả các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có hoá đơn đầu vào của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã bỏ trốn. Sau khi các doanh nghiệp tự điều chỉnh, số thuế GTGT tăng thu ngân sách nhà nước là 2,9 tỷ đồng thuế GTGT, số thuế GTGT giảm khấu trừ là 4,6 tỷ.
Các Phòng và các Chi cục cũng đang tiếp tục rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự điều chỉnh, ước tăng thu thuế GTGT 7 tỷ đồng, giảm khấu trừ 17,5 tỷ đồng.
“Việc ban hành cảnh báo của Cơ quan Thuế thể hiện sự đồng hành của ngành Thuế với doanh nghiệp, nên doanh nghiệp hiểu rõ và tự rà soát, tự điều chỉnh để hạn chế rủi ro về pháp lý, thiệt hại về tài chính trong tương lai. Xét trên phương diện quản lý thuế, có thể nói động thái cảnh bảo của cơ quan thuế là một trong các biện pháp chống thất thu ngân sách hiệu quả nhất mà không dẫn đến “xung đột” với người nộp thuế”, ông Danh cho hay.
Chi cục Thuế TP Quy Nhơn vừa phát hành thông báo đến các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp rà soát các doanh nghiệp có sử dụng hóa đơn của Chi nhánh Bình Định - Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật miền Bắc (khu vực 5, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) tiến hành kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm (nếu có) nhằm kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng in, phát hành, mua bán hóa đơn bất hợp pháp, gian lận trong kê khai thuế giá trị gia tăng, hạch toán chi phí đầu vào để trốn thuế. Theo Chi cục Thuế TP Quy Nhơn, doanh nghiệp này đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử ngày 15/12/2021 theo Nghị định số 123/2020 của Chính phủ và Thông tư số 70/2021 của Bộ Tài chính, nhưng từ đó đến nay chưa phát hành HĐĐT có mã của cơ quan thuế. Đến ngày 19/9/2023, doanh nghiệp nói trên còn nợ đọng tiền thuế; hiện người đại diện doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đăng ký. |