- Cục trưởng Cục An ninh mạng khẳng định, luật An ninh mạng không ảnh hưởng gì đến quyền tự do ngôn luận. Chúng ta vẫn có thể thoải mái sử dụng mạng để nói, để phản biện các vấn đề, miễn là không vi phạm pháp luật hình sự đã được quy chiếu.
Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) cho biết trong quá trình xây dựng dự thảo luật An ninh mạng từ tháng 11/2016 đến trước khi QH thông qua, ban soạn thảo lấy ý kiến góp ý của rất nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có cả việc tiếp cận với những người có trách nhiệm của Facebook, Google, Hiệp hội Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN. Ban soạn thảo đã giải thích và lắng nghe cầu thị ý kiến góp ý của các bên.
“Qua trao đổi của tôi với đại diện của các tập đoàn này, tôi chưa thấy họ có ý kiến gì khác. Họ chỉ hỏi có ảnh hưởng gì không, và khi tôi giải thích thì họ thấy phù hợp và nói sẽ điều chỉnh chiến lược của họ”, ông Thuận nói.
Ông cho biết, Hiệp hội Điện toán đám mây châu Á cũng nhận thấy giải thích của ban soạn thảo là phù hợp.
Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng. Ảnh: CAND |
Cục trưởng khẳng định: “Ban soạn thảo đã tiếp thu, cầu thị, điều chỉnh cho phù hợp và trình ra QH biểu quyết thông qua. Không phải như ai đó tuyên truyền luật này ra đời sẽ ảnh hưởng ghê gớm đến hoạt động kinh doanh của các DN cung cấp dịch vụ viễn thông, internet”.
Có những ngoại lệ mà quốc gia nào cũng vậy
Hiện trên mạng xã hội và một số ý kiến cho rằng luật An ninh mạng vi phạm các điều ước quốc tế. Sau khi luật thông qua, nan soạn thảo có nhận được phản hồi gì của các tổ chức quốc tế và DN như Facebook, Google?
Chưa bao giờ vi phạm, chúng tôi đã rà soát rất đầy đủ và UB Quốc phòng An ninh của QH đã trình bày rất đầy đủ. Tôi cũng lắng nghe các nhà ngoại giao và họ đều khẳng định có phạm vi ngoại lệ và quốc gia nào cũng như vậy.
Đến giờ phút này, tôi chưa nhận được bất cứ thông số nào. Tất cả những cáo buộc là sử dụng không gian mạng để kích động, chia rẽ, xuyên tạc, bịa đặt và họ cứ đồn rằng dư luận thế này, thế khác.
Trong khuôn khổ luật này, có các nhóm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các DN cung cấp dịch vụ viễn thông, internet mà trước đây chưa bao giờ có.
Có ý kiến cho rằng, nếu thực hiện theo quy định của luật về việc đặt chi nhánh, văn phòng đại diện và chuyển dữ liệu người dùng về Việt Nam, DN sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí. Việc này sẽ dẫn đến nguy cơ một số ông lớn như Facebook, Google rút khỏi thị trường Việt Nam?
Rất đơn giản và rất dễ khi họ đặt ở Việt Nam thì băng thông nhanh hơn rất nhiều và tiết kiệm hơn rất nhiều. Đương nhiên Chính phủ sẽ có quy định cụ thể và không phải ai cũng đặt dữ liệu, văn phòng tại Việt Nam.
Nghị định của Chính phủ sẽ quy định rõ DN cung cấp dịch vụ viễn thông như thế nào phải lưu trữ dữ liệu, phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Đến nay chưa có thông tin chính thức nào nói về việc các DN này rút khỏi Việt Nam. Chắc chắn với thị phần rất lớn như hiện nay, Việt Nam 48 triệu tài khoản Facebook thì đó là thị phần rất lớn mà Facebook sẽ phải cân nhắc.
XEM CLIP:
Thật sao ảo vậy
Việc luật An ninh mạng quy định hàng loạt các điều cấm cũng như quy định về việc quản lý dữ liệu người dùng khiến không ít người lo ngại sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của người dùng trên không gian mạng?
Chúng ta vẫn nói “thật sao ảo vậy”, thực tế, bộ luật Hình sự quy định 29 nội dung bị cấm thì quy chiếu theo đó, các hành vi này trên mạng cũng sẽ bị cấm. Và cũng chưa bao giờ quyền trẻ em được bảo vệ như vậy trong không gian mạng.
Ai bị xúc phạm nhân phẩm, ai bị bịa đặt thông tin mà hành vi đó quy chiếu theo 29 điều của bộ luật Hình sự và kể cả luật Dân sự thì họ phải bị xử lý. Điều đó có nghĩa là quyền của tổ chức và cá nhân rất được bảo vệ.
Không thể có chuyện đe dọa giết người ở ngoài đời bị xử lý, còn đe doạ giết người trên mạng lại được tự do. Không thể mua bán vũ khí, hướng dẫn sử dụng vật liệu nổ ở ngoài đời thì bị xử lý, còn trên mạng thì thoải mái được. Và không thể nào kích động biểu tình, mang bom xăng và gậy gộc ở ngoài đời bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn trên mạng thì không bị xem xét, xử lý.
Tôi khẳng định luật này không ảnh hưởng gì đến quyền tự do ngôn luận nếu chúng ta trình bày đúng quan điểm và không vi phạm những điều luật pháp đã quy định. Chúng ta vẫn có thể thoải mái sử dụng mạng để hoạt động nếu không vi phạm pháp luật. Chúng ta được nói, được phản biện các vấn đề, miễn là không vi phạm pháp luật hình sự đã được quy chiếu.
Có thể nói, chưa có luật nào đưa ra những điều khoản bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng mới như luật này. Đặc biệt là tôn giáo, dân tộc lại càng được bảo vệ. Ai xúc phạm dân tộc, ai kỳ thị giới đều bị xử lý theo quy định của pháp luật, đương nhiên là tùy theo mức độ và sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Thực tế hiện nay việc lộ, lọt thông tin cá nhân diễn ra khá phổ biến, vậy luật kiểm soát việc này thế nào? Việc luật quy định DN bắt buộc phải cung cấp dữ liệu cho cơ quan điều tra liệu có vi phạm đến quyền riêng tư của người dùng?
Chính các DN đang lưu trữ thông tin của cá nhân rất nhiều và đang để lộ lọt thông tin cá nhân rất nhiều. Chúng ta vừa mới lên sân bay mới có tin nhắn có đi taxi hay không, chúng ta đang họp cũng nhận được thông tin mua bán đất ở chỗ này, chỗ kia. Chính việc lộ lọt này là do sự quản lý không tốt của các DN.
Từ trước đến nay, cơ quan an ninh chưa bao giờ yêu cầu quá mức, chỉ khi có vi phạm pháp luật thì chúng tôi mới đặt vấn đề. Đấy là một thực tế.
Điều 17 của luật quy định rất chi tiết về bảo vệ bí mật, phòng chống lộ lọt. Nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách về an ninh mạng là phải bảo vệ được những bí mật đó. Chúng ta yên tâm, cơ quan an ninh mạng không làm tốt cái này thì phải có trách nhiệm với đất nước và nhân dân.
Điều 26 cũng quy định rất kỹ, trong đó có quy định trách nhiệm của DN phải bảo mật thông tin người dùng. Bí mật đó nếu làm lộ thì DN phải chịu trách nhiệm.
DN chỉ cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
Chúng ta phải giải quyết câu chuyện này và đừng để thế lực xấu lợi dụng đồng bào mình, đánh chính đồng bào mình, đừng để cho đồng bào mình đánh phá đúng tài sản của mình là tiền thuế của dân bỏ ra mua sắm.
Không thể có chuyện lạm quyền
Có ý kiến lo ngại, luật này trao quyền quá lớn cho cơ quan chức năng trong việc đánh giá các nội dung liên quan đến việc bôi xấu lãnh đạo hay phủ nhận thành tựu cách mạng. Vây làm thế nào để tránh được đánh giá không khách quan hay có thể là quy chụp cho tổ chức, người dân khi họ đăng các thông tin đó trên mạng xã hội?
Chúng ta đang thực hiện rất đúng, bài bản theo các quy định của luật.
Trong việc xác định thông tin vi phạm pháp luật, nếu liên quan đến vấn đề thông tin truyền thông thì Bộ TT&TT sẽ là người thẩm định, khi liên quan đến văn hóa thì Bộ Văn hóa sẽ thẩm định. Cơ quan chuyên trách về an ninh mạng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng căn cứ vào những thẩm định đó mới đề nghị cung cấp các thông tin khi điều tra hành vi vi phạm pháp luật.
Như vậy không thể có chuyện lực lượng chuyên trách về an ninh mạng lạm quyền.
Hơn nữa, luật cũng quy định rõ các điều cấm đối với cơ quan chuyên trách về an ninh mạng, hay với cá nhân, tổ chức nào đó lợi dung nghiệp vụ an ninh mạng để xâm phạm an ninh quốc gia, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trật tự an toàn xã hội thì chắc chắn bị sẽ bị xử lý nghiêm trước pháp luật.
Thực tế cũng có thể thấy, Cục An ninh mạng hay Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng của Bộ Quốc phòng cũng chưa có hành vi đó bao giờ.
Trên mạng xã hội đang có nhiều ý kiến không đồng tình với luật này, thậm chí có nhiều ý kiến kêu gọi biểu tình… Ban soạn thảo ứng xử ra sao trước luồng ý kiến này?
Trước mắt phải làm cho mọi người hiểu đúng, đừng nghĩ đến chuyện xử lý.
Không có một luật nào hoàn hảo. Hôm qua có bạn hỏi tôi luật này ra đời có ngăn chặn được các hành vi trên không gian mạng không?
Cơ quan chuyên trách về an ninh mạng cũng phải biết cái gì được làm, cái gì bị cấm, nếu anh vi phạm thì cũng bị xử lý nghiêm trước pháp luật.
Chúng tôi luôn luôn lắng nghe để điều chỉnh, cầu thị đưa ra những nội dung phù hợp nhất vào nghị định hướng dẫn thực thi luật trong thời gian tới.
Luật An ninh mạng: Chống Nhà nước thì đương nhiên phải ngăn chặn
Nói về luật An ninh mạng, Tổng thư ký QH nhấn mạnh: "Chống lại Nhà nước đương nhiên phải ngăn chặn, đối tượng nào vi phạm phải xử lý".
VIDEO: Trương Hữu Lộc thừa nhận 'livestream kêu gọi biểu tình' ở TP.HCM
Quá trình bị điều tra về tội “phá rối an ninh”, Trương Hữu Lộc thừa nhận đã livestream kêu gọi biểu tình.
Luật An ninh mạng: Không lo Facebook, Google rời bỏ Việt Nam
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng việc ban hành luật An ninh mạng là cần thiết để tạo hành lang nhất định, chứ không tạo ra quá nhiều lối rẽ về an ninh.
Luật An ninh mạng không cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua vừa qua.
Luật An ninh mạng bảo đảm môi trường an toàn, lành mạnh
Việc hoạt động trên môi trường không gian mạng quốc gia sẽ được bảo đảm an toàn, lành mạnh, hạn chế tối đa các nguy cơ xâm hại.
Thu Hằng