Hình ảnh hiện tại ở Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh chụp ngày 16/3.

Liên quan đến việc hàng loạt nghệ sĩ lên tiếng về thực trạng ở Hãng phim truyện Việt Nam, VietNamNet đã liên hệ với Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành. Người đứng đầu ngành điện ảnh cho hay: "Trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết việc này không phải là Cục Điện ảnh mà là lãnh đạo Bộ (VHTT&DL), Chính phủ...

Khi tiến hành cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Cục trưởng Cục Điện ảnh khi đó là Ngô Phương Lan có nói với tôi việc cổ phần hóa do Ban đổi mới doanh nghiệp của Bộ VHTT&DL làm, Cục không được hỏi một câu. Do vậy, tại sao bây giờ lại hỏi trách nhiệm giải quyết, ý kiến của Cục?".

Ông Vi Kiến Thành. 

Khi phóng viên hỏi: Với tư cách là tư lệnh ngành điện ảnh, khi thấy nhiều nghệ sĩ của Hãng đang lâm cảnh như vậy, ông có thể nói gì?, ông Vi Kiến Thành trả lời: "Cục Điện ảnh rất chia sẻ, đau xót với việc đã xảy ra như thế. Chúng tôi vô cùng mong muốn Chính phủ, Bộ VHTT&DL ra tay giải quyết dứt điểm vụ này. Ai lại để anh em như thế? Quá đau xót rồi".

Ông Thành cũng khẳng định từ các đời Cục trưởng trước cũng đã có kiến nghị lên cấp trên về việc của Hãng. Tuy vậy, vụ việc của Hãng phim truyện Việt Nam hiện Cục Điện ảnh không đủ thẩm quyền để giải quyết và vấn đề bây giờ nằm ở cấp lãnh đạo Bộ VHTT&DL, cấp Chính phủ.

Hãng phim ở khu đất vàng thành nơi hoang lạnh. 


Hãng phim truyện Việt Nam chính thức ra đời từ bộ phim truyện đầu tiên Chung một dòng sông sản xuất năm 1959. Địa chỉ số 4 Thụy Khuê đã gắn bó với nhiều thế hệ nghệ sĩ tên tuổi như: Trà Giang, Thế Anh, Minh Châu, Như Quỳnh, Lan Hương, Lê Vân, Phương Thanh... mà sau này tất cả đã trở thành NSND.

Mặc dù nằm trên mảnh đất vàng tại số 4 Thụy Khuê rộng tới 5.000m2 nhưng Hãng phim truyện Việt Nam hơn 60 năm nay không có quyền sử dụng mảnh đất này mà chỉ là đất đi thuê. Cơ sở vật chất của Hãng nhiều năm qua xuống cấp trầm trọng. 

Bộ phim cuối cùng Hãng sản xuất là Cuộc đời của Yến (2015). Kể từ thời điểm cổ phần hóa, Hãng không sản xuất thêm được bộ phim nào. 

Là nơi sản xuất hơn 400 bộ phim, từng có hơn 600 nghệ sĩ nhưng nhiều năm nay, Hãng phim truyện Việt Nam không hoạt động và không sản xuất phim. Các nghệ sĩ chưa về hưu, trong đó có NSND Thanh Vân - nguyên Phó giám đốc thì bị cắt lương, bảo hiểm, không được hưởng bất cứ chế độ nào.

Clip NSND Trà Giang khóc khi nói về thực trạng Hãng phim truyện Việt Nam

Quá trình lùm xùm về cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam 

Sân sau của Hãng ở số 4 Thụy Khuê trở thành bãi đỗ xe. 


Quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) được tiến hành từ năm 2014, dự kiến năm 2015 hoàn thành nhưng kéo dài tới 2016 mới tìm được cổ đông chiến lược là Tổng công ty vận tải thủy Vivaso. Với 32,5 tỷ đồng, Vivaso đã giành 65% tổng giá trị doanh nghiệp và trở thành cổ đông chiến lược. Vivaso hoàn tất quá trình mua lại VFS vào tháng 6/2017.

Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng chính thức trở thành chủ mới của VFS, Vivaso đã nhận sự phản ứng dữ dội của các nghệ sĩ. Vivaso không trả lương cho những người không đến làm việc, quy hoạch lại các phòng ban, đóng cửa lối đi chính và khuyến khích các nghệ sĩ đi bán phở, lái xe ôm để kiếm thêm thu nhập... khiến nhiều nghệ sĩ bức xúc.

Ngày 9/9/2017, nhiều nghệ sĩ trong đó có NSND Minh Châu, diễn viên Quốc Tuấn, đạo diễn Nguyễn Đức Việt... đã ký vào lá đơn kêu cứu gửi lên Hội Điện ảnh Việt Nam liên quan đến việc điều hành của lãnh đạo Vivaso. 

Ngày 18/9/2017, Hội có cuộc làm việc với các nghệ sĩ và gửi công văn kiến nghị giải quyết theo đơn kêu cứu của cán bộ, nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam lên Thủ tướng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ trưởng VHTT&DL.

Ngày 19/9/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát Hãng phim truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê.

Sáng 20/9/2017: Các nghệ sĩ nhiều thế hệ của Hãng tập trung tại Hội Điện ảnh Việt Nam để nêu ý kiến bức xúc về những bất hợp lý trong việc cổ phần hóa.

Sáng cùng ngày, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái thông tin với báo chí: Hãng phim truyện Việt Nam nợ và lỗ trong suốt 20 năm, chưa thanh toán tiền thuê đất 21 tỷ đồng.

Chiều 21/9/2017, sau cuộc gặp với lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Khoa học và công nghệ, Hội Điện ảnh Việt Nam, Tổng công ty Vận tải thuỷ, Hãng phim truyện Việt Nam. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cho thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hoá.

Sáng 13/10/2017, tại Hà Nội, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra việc cổ phần hóa Hãng. 

Ngày 20/9/2018, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra "công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam". Tuy nhiên, từ đó đến nay, những bất cập trong quá trình thanh tra vẫn chưa được xử lý dứt điểm, khiến anh em nghệ sĩ bức xúc kéo dài.

Ngày 15/3/2023, tại sự kiện kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam, NSND Trà Giang đã khóc trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội khi nhắc về thực trạng bi thảm của Hãng. Cùng với đó, diễn viên Quyền Linh cùng nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng trên VietNamNet, mong có câu trả lời xác đáng về số phận Hãng phim truyện Việt Nam.

Ảnh: Phạm Hải