Không chỉ có nhiều vùng trồng chè lớn, nhất là ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên,... nước ta còn sở hữu những rừng chè có tuổi đời lên tới hàng trăm năm. Thế nên, cách đây hơn chục năm, Việt Nam đã là quốc gia có sản lượng chè lớn, xếp vị trí đứng thứ 5 trên toàn thế giới.
Hàng năm, ngoài phục vụ cho thị trường nội địa, sản phẩm chè Việt còn được xuất khẩu sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Song, thực tế là kim ngạch xuất khẩu chè của nước ta chưa tăng trưởng đã “chạm trần”.
Theo số liệu thống kê, năm 2009 xuất khẩu chè Việt Nam lần đầu tiên chạm mốc 200 triệu USD. Hơn 10 năm sau, đến năm 2021, xuất khẩu chè cũng chỉ dừng ở con số 214 triệu USD.
Nửa đầu năm 2022, xuất khẩu chè ước tính đạt 54.000 tấn, trị giá 94 triệu USD, giảm 6,4% về lượng và giảm 1,3% về trị giá; giá chè xuất khẩu bình quân ước tính đạt 1.720,4 USD/tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 5 tháng đầu năm nay, chè xanh và chè đen là hai chủng loại xuất khẩu chính, chiếm 79% tổng lượng chè xuất khẩu của Việt Nam.
Trong đó, chè đen xuất khẩu giảm mạnh, đạt 15,77 nghìn tấn, trị giá 24,8 triệu USD, giảm 32,7% về lượng và giảm 26,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chè đen xuất khẩu bình quân đạt 1.575,3 USD/tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Lượng chè xanh xuất khẩu đạt gần 16.900 tấn, giá trị đạt 30,4 triệu USD, giảm 7,5% về lượng và giảm 7,7% về giá trị. Bình quân giá xuất khẩu mặt hàng này ở mức 1.809 USD/tấn.
Trái với chè xanh và chè đen, chủng loại chè ô long xuất khẩu lại tăng mạnh, đạt 148 tấn, trị giá 357 nghìn USD, tăng hơn 47% về lượng và tăng 62% trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường xuất khẩu chè chính của Việt Nam là Pakistan, Đài Loan và Nga.
Theo thống kê của Hải quan Đài Loan, 5 tháng đầu năm nay thị trường này nhập khẩu 11.513 tấn chè các loại. Việt Nam là nhà cung cấp chè lớn nhất cho thị trường Đài Loan, chiếm tỷ trọng 51,8%. Tuy nhiên, giá chè bình quân nhập khẩu từ Việt Nam ở mức thấp, chỉ 1.661,9 USD/tấn.
So sánh cùng một chủng loại chè xanh xuất khẩu vào Đài Loan, Nhật Bản thu về 10.173 USD/tấn, Sri Lanka thu 6.323 USD, còn Việt Nam chỉ 1.721 USD/tấn. Tức giá chè xanh của Nhật Bản cao gấp 5,9 lần, Sri Lanka gấp 3,67 lần giá chè xanh của Việt Nam.
Tương tự, với mặt hàng chè đen, giá xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 1.625 USD/tấn, trong khi Sri Lanka và Trung Quốc giá lần lượt đạt 4.456 USD và 2.770 USD/tấn.
Nguyên nhân là do Việt Nam xuất khẩu chủ yếu chè thô để chế biến thực phẩm sử dụng các nguyên liệu trà, như: trà sữa, bột matcha,… Bởi vậy, chè Việt nhập vào Đài Loan thường được đóng bao lớn, loại trên 3 kg/bao nên trị giá không cao.
Nghiên cứu từ Research and Markets cho thấy, thị trường chè toàn cầu đạt 24,3 tỷ USD trong năm 2016, dự kiến đạt 37,5 tỷ USD năm 2025, với tốc độ tăng trưởng 5%/năm giai đoạn từ 2017-2025. Mức tăng trưởng của ngành chè ngày càng cao do lối sống thay đổi và tăng nhận thức của người tiêu dùng về việc uống chè có lợi cho sức khỏe.
Cùng với nhu cầu tăng cao, sản phẩm chè cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống. Theo đó, trà cao cấp uống tại nhà, trà có lợi cho sức khoẻ, trà pha lạnh,... sẽ là những dòng sản phẩm dẫn dắt thị trường giai đoạn tới.
Để nâng cao giá trị gia tăng cho các chủng loại chè, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng hóa sản phẩm chè. Chất lượng chè phải đáp ứng tiêu chuẩn của của các thị trường.
Nếu chú trọng vào khâu trồng, chế biến, hình thức đóng gói cùng cách quảng bá thương hiệu thì chè sẽ trở thành món hàng “1 vốn, 4 lời”. Sản phẩm đạt chất lượng tốt, cơ hội cho chè Việt Nam mở rộng được ở thị trường Đài Loan và các thị trường khác.
Ẩn mình trong “Thiên đường mây” Tà Xùa là rừng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi của đồng bào người Mông. Vài năm gần đây, rừng chè cổ trở thành “khó báu” cổ giúp họ thoát nghèo, vươn lên thành những triệu phú.