Ông Hoàng Chiến Việt (SN 1947, Hà Nội) từng tham gia chiến trường Quảng Trị khốc liệt. Sau ngày đất nước độc lập, ông trở về quê nhà, mang theo di chứng nặng nề. Đó là viên đạn ghim sau trong đầu khiến trí nhớ lẫn lộn, sức khoẻ giảm sút, chân tay run rẩy. Nhưng đau khổ hơn cả, không chỉ con mà các cháu của ông cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.
Ông Việt không phải nạn nhân hiếm hoi của chất độc da cam/dioxin. Cuộc chiến hoá học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã làm cho 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, trong số đó mắc bệnh hiểm nghèo, dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ… Thậm chí, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4, gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều người Việt Nam phải gánh chịu.
Mặc dù được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, nạn nhân chất độc da cam vẫn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhiều hoàn cảnh nghèo khó, bệnh tật kéo dài khiến gia đình kiệt quệ. Họ rất cần sự sẻ chia, động viên, đóng góp từ cộng đồng để có cơ hội được chăm sóc, khám chữa bệnh, cải thiện cuộc sống, có thêm nghị lực vượt qua khó khăn, hoà nhập cộng đồng.
Chính bởi lí do đó, từ năm 2011 đến nay, hằng năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đều phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia tổ chức nhắn tin ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đạt được kết quả rất tốt. Năm 2021, tổng số tiền thu được hơn 1,8 tỷ đồng, dùng hỗ trợ làm nhà cho 11 gia đình nạn nhân nghèo; thăm, tặng quà cho các gia đình, các trung tâm nuôi dưỡng nạn nhân, hỗ trợ họ các đợt Covid-19… Hoạt động này đem lại ý nghĩa to lớn cho không chỉ cá nhân người nhận mà còn cả tập thể, xã hội.
Sáng 22/7, tại Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (Cổng 1400) tổ chức phát động Chương trình nhắn tin từ thiện "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam" năm 2022 với thông điệp "Mỗi tin nhắn - Một tấm lòng với nạn nhân chất độc da cam".
Chương trình được triển khai từ ngày 20/7 đến ngày 17/9, với cú pháp nhắn tin: DA CAM gửi 1409 (20.000 đồng/tin nhắn).
Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, số tiền thu được từ chương trình nhắn tin, không những phản ánh tình cảm, trách nhiệm của cộng đồng, xã hội đối với nạn nhân chất độc da cam, còn làm cho hàng triệu người Việt Nam, bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Có được kết quả đó là nhờ sự chung tay nỗ lực, sự hỗ trợ hết mình của các nhà mạng, các tổ chức xã hội, cổng thông tin truyền thông đa phương tiện...
Nhân dịp này, Ban Tổ chức trao tặng 10 xe lăn cho 10 nạn nhân của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội. Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hải Phòng ủng hộ 10 triệu đồng. Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Bình ủng hộ 50 triệu đồng vào Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.