Theo TS Trần Long, Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), một năm có 24 tiết khí gồm: Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân, Thanh minh, Cốc vũ, Lập hạ, Tiểu mãn, Mang chủng, Hạ chí, Tiểu thử, Đại thử, Lập thu, Xử thử, Bạch lộ, Thu phân, Hàn lộ, Sương giáng, Lập đông, Tiểu tuyết, Đại tuyết, Đông chí, Tiểu hàn, Đại hàn.
Trong đó, tiết Thanh minh thường bắt đầu từ ngày 4/4 hoặc 5/4 đến khoảng ngày 20 hoặc 21/4 dương lịch hằng năm.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cũng cho biết, người xưa chọn ngày đầu tiên của tiết Thanh minh để làm tết Thanh minh. Theo nghĩa đen, “thanh” là khí trong, còn “minh” là sáng sủa. Thanh minh nghĩa là trời mát mẻ, quang đãng.
Trong ngày tết Thanh minh, gia chủ không nhất thiết phải chú trọng chuyện mâm cao cỗ đầy nhưng phải biết những điều kiêng kỵ để tránh tài lộc tiêu tán, gia đình lục đục.
Điều đầu tiên, gia chủ cần lưu ý là không nên tổ chức hỉ sự. Theo TS Nguyễn Ánh Hồng, Trưởng khoa Văn hóa Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, vào ngày Thanh minh, người dân đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau tảo mộ. Do đó, người dân không nên tổ chức những việc hỉ như đám cưới, sinh nhật, tân gia… vào ngày này.
Tuy tảo mộ, sửa sang mộ phần gia tiên là công việc chính trong ngày tết Thanh minh nhưng khi tiến hành hoạt động này, người dân cũng cần chú ý nhiều điều kiêng kỵ.
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà khuyến cáo, khi đi tảo mộ vào dịp tết Thanh minh, chúng ta không đi qua nơi hẻo lánh. Thay vào đó, người dân nên đi trên những con đường mà mọi người hay đi để tránh gặp nguy hiểm. Những người yếu bóng vía, huyết áp thấp… càng phải lưu ý điều này.
Hơn nữa, theo quan niệm phong thủy, đi đến những nơi như vậy sẽ dễ nhiễm tà khí, nếu như thật sự cần đi thì nên đi cùng nhiều người.
Ngoài ra, tảo mộ là khoảng thời gian người thân tụ tập lại với nhau, lúc này cần chú ý không được chụp ảnh tập thể ở xung quanh mộ.
Chuyên gia phong thủy cũng lưu ý, khi tảo mộ, cần chú ý sửa sang bốn phía của ngôi mộ. Thứ nhất là để tỏ lòng kính trọng với những người đã khuất, thứ hai là để xem xét tình hình của mộ.
Nếu như xung quanh mộ có nước (nước có thể vào bên trong hoặc vũng nước rất sát mộ) sẽ có ảnh hưởng không tốt cho vận thế của người đời sau.
Vào tết Thanh minh, mọi người không nên để tóc phủ trước trán hay mua giày mới. Theo quan niệm dân gian, tiết Thanh minh còn được gọi là “tiết Quỷ”.
Người xưa cho rằng, trán là cánh cửa vận mệnh của con người, là nơi đèn thần soi rọi, không nên để tóc che phủ. Điều này lại càng cần phải được chú ý vào“tiết Quỷ”.
Vào dịp tết Thanh minh mọi người nên để tóc tai gọn gàng, vầng trán không bị tóc che phủ để hóa giải vận xui, đón nhận điều may mắn.
Vào ngày này, việc mua giày mới cũng được người xưa xem là điều không may. Bởi, trong tiếng Hán, chữ “hài” (giày) và chữ “tà” đồng âm. Có quan niệm cho rằng, mua giày vào ngày này sẽ không may mắn, dễ bị tà ma theo đuổi.
(Tổng hợp)