Những năm qua, người dùng smartphone đã có cơ hội tiếp cận với nhiều trợ lý ảo như Siri trên iPhone, Google Now/Assistant trên Android và Cortana cho Windows. Giờ đây, mọi thứ đang thay đổi khi các nhà phát triển đua nhau tung ra trợ lý ảo riêng.
Có ý kiến cho rằng thị trường đang loãng dần, nhưng kỳ thực đây lại là bước đệm tạo ra cuộc cách mạng di động mới, nơi trí thông minh nhân tạo tiếp quản thành quả bấy lâu nay của ngành công nghiệp để giúp chúng trở nên mạnh mẽ và dễ sử dụng hơn.
Google Assistant tưởng chừng chỉ hỗ trợ Android giờ đây đã xuất hiện trên iPhone. Dù hiện tại Apple khóa một số chức năng của đối thủ nhằm bảo vệ Siri nhưng người dùng đã có quyền lựa chọn công nghệ nhận diện giọng nói riêng của mình thay vì phải bó buộc trong một sản phẩm.
Với vài thao tác kỹ thuật, bạn cũng có thể chạy Google Assistant ngay trên môi trường Windows. Thậm chí, Cortana của Microsoft đã hỗ trợ cho Android và iOS.
Các công ty không còn xem trợ lý ảo là món hàng độc quyền trên thiết bị của mình mà dần mang lên nhiều nền tảng khác. Như Alexa vốn gắn liền với loa thông minh Echo nay đã sẵn có cho HTC U11 mà không gây nhầm lẫn vơi lệnh “OK Google”. Hay Galaxy S8 cài đặt cả Google Assistant và trợ lý ảo Bixby do mình phát triển.
Xu hướng thiết kế trợ lý kỹ thuật số nở rộ và chưa biết chừng một ngày nào đó sẽ trở thành cổng giao tiếp chính trên thiết bị thay cho màn hình cảm ứng.
Tuy nhiên, làn sóng làm trợ lý ảo gặp trở ngại về mặt kỹ thuật khi hầu hết công nghệ nhận diện giọng nói chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Bạn có thể bắt gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười với Siri hay Assistant.
Bởi vậy, Google đang hỗ trợ nhập lệnh bằng bàn phím và tương tác thông qua máy ảnh tích hợp trí thông minh nhân tạo. Điều này đồng nghĩa, chúng ta có thể dùng camera để tìm kiếm thông tin như nhà hàng trước mặt hay loài hoa mà mình chưa biết tên, thậm chí là dịch văn bản nước ngoài trên ảnh.
Trong tương lai, trợ lý ảo có thể làm tất cả mọi việc cho người dùng. Ví dụ nếu muốn đăng bài viết lên Facebook bạn chỉ cần mở ứng dụng lên, trợ lý ảo sẽ hiển thị ngay cửa sổ cho bạn làm việc đó. Hay cần thông tin về một nhà hàng, người dùng chỉ việc nhập tên hoặc chụp ảnh mà không cần phải vào Google hay Bing.
Thú vị hơn, viễn cảnh thiết bị không cần cài đặt ứng dụng hoàn toàn có thể xảy ra. Lúc đó, trợ lý ảo sẽ tải dữ liệu từ các dịch vụ đám mây để người dùng tương tác.
Hiện tại, mọi người không sử dụng trợ lý kỹ thuật số trên desktop hay máy tính xách tay, thay vào đó là loa thông minh và điện thoại.
Thậm chí, tiện ích này còn được mang lên xe hơi. Theo thống kê, chỉ 18% người dùng smartphone kích hoạt trợ lý ảo mỗi ngày. Một phần bởi công nghệ chưa đạt đến độ chính xác như nhập liệu văn bản.
Tiềm năng phát triển là rất lớn khi số smartphone ngày một tăng cao. Trí tuệ nhân tạo cần được cải thiện để tăng tính tương tác. Một khi khả năng nhận diện giọng nói đã hoàn thiện và hỗ trợ đa ngôn ngữ, chẳng cần nhà sản xuất mời chào mà ngay chính người dùng sẽ tự động dùng các tiện ích đó.
Google và Amazon là hai trong số những cái tên tích cực nhất trên thị trường trợ lý ảo. Tuy nhiên, vẫn đủ thời gian cho cả Apple và Microsoft tham gia cuộc đua. Thách thức phía trước vô cùng lớn, đặc biệt cần tìm ra thuật toán thông minh hơn. Nhưng với nguồn lực khổng lồ của các ông lớn trong làng công nghệ, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một cuộc cách mạng mới.
Theo GenK