Phóng viên: Phải chăng bên cạnh “chip war” (cuộc chiến chip), thế giới đang chứng kiến một cuộc chiến công nghệ khác - “AI war” (cuộc chiến AI)?
Ông Trần Việt Hùng: Thực ra thì AI đã có từ rất lâu, chúng ta sử dụng mà có thể không để ý. Ví dụ như app chụp hình làm cho khuôn mặt đẹp hơn, hay việc gợi ý nghe nhạc, xem video clip, đọc một trang web nào đó.
Còn AI mà mọi người đề cập tới từ sau khi OpenAI công bố ChatGPT là Generative AI (AI Tạo sinh). Đây là dạng AI có thể tự sinh ra các nội dung như văn bản, hình ảnh, âm thanh, và video giống như do con người tạo ra.
Generative AI có năng lực cực kỳ kinh khủng và có thể được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực. Do vậy, công ty công nghệ nào cũng mong muốn sở hữu Generative AI và dùng nó như một đòn bẩy để tạo ra khoảng cách cạnh tranh với các công ty khác.
Các công ty đang đua nhau để đưa ra được Generative AI của mình. Trong cuộc cạnh tranh này, nhân lực, dữ liệu, và khả năng tính toán (GPU) là các yếu tố chính được chú ý tới. Thế nên cuộc chiến AI bao gồm luôn cả cuộc chiến về chip.
Việt Nam nên đứng ở đâu trong cuộc chiến AI này? Chúng ta nên trở thành một người chơi, hay nên là người đứng ngoài hưởng lợi nhờ những người chơi trong cuộc chiến đó?
Trần Việt Hùng: Các sản phẩm Generative AI mà mọi người đang trải nghiệm như ChatGPT, Bing, hay Gemini đều có một mô hình ngôn ngữ cỡ lớn (Large Language Model) với hàng trăm tỷ tham số. Các mô hình này được đào tạo từ một khối lượng dữ liệu khổng lồ.
Để đào tạo, cập nhật và vận hành các mô hình ngôn ngữ cỡ lớn, các công ty phải bỏ ra một số tiền lớn. Ví dụ, chỉ riêng việc vận hành ChatGPT, OpenAI phải chi ra khoảng 700.000 USD mỗi ngày. Còn để đào tạo được một phiên bản mới thì cũng tốn tới 100 triệu USD.
Chính vì vậy, chỉ một số công ty lớn mới đủ khả năng để đào tạo và vận hành các mô hình lớn. Các công ty khác sẽ tập trung vào xây dựng ứng dụng dựa trên Generative AI và hiệu chỉnh các mô hình cỡ nhỏ hơn để phục vụ cho các tác vụ rất cụ thể.
Hiện tiếng Việt chưa được hỗ trợ tốt bởi các mô hình ngôn ngữ lớn, cả những mô hình độc quyền cũng như các mô hình mã nguồn mở. Việc này phần nào đã hạn chế các ứng dụng Generative AI ở Việt Nam.
Theo quan điểm cá nhân tôi, Việt Nam nên tập trung xây dựng một bộ dữ liệu tiếng Việt thật tốt và cung cấp công khai để ai muốn đào tạo các mô hình ngôn ngữ đều có thể sử dụng.
Tiếp theo, cần xây dựng một bộ dữ liệu đánh giá khả năng xử lý tiếng Việt của các mô hình Generative AI để các công ty, các nhà phát triển ứng dụng có thể lựa chọn mô hình phù hợp cho ứng dụng cụ thể của mình.
Nếu làm được hai việc này, cả Việt Nam và những người đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn đều sẽ “win-win” (chiến thắng - PV). Tại thời điểm này, tôi cho rằng Việt Nam nên tập trung vào ứng dụng thay vì đào tạo mới một mô hình ngôn ngữ cỡ lớn.
Chúng ta nên tập trung phát triển những giải pháp, ứng dụng AI thế nào để vừa sức người Việt, đồng thời mang lại những lợi ích, hiệu quả có thể nhìn thấy ngay?
Trần Việt Hùng: Các nghiên cứu về Generative AI đã có từ những năm 2017, nhưng nó chỉ được quan tâm nhiều hơn với sự ra đời của ChatGPT 5 năm sau đó. Nếu đi theo hướng ứng dụng, Việt Nam có thể đi cùng với thế giới, vì thế cơ hội mà Generative AI mang lại rất lớn.
Theo như phân tích của Bill Gates, hai lĩnh vực mà Generative AI có thể mang lại ảnh hưởng sâu rộng là y tế và giáo dục. Ở Việt Nam, hai mảng này cũng còn quá nhiều việc cần phải làm. Có lẽ đây nên là nơi bắt đầu cho các ứng dụng Generative AI của người Việt.
Các nhà phát triển AI Việt liệu có cơ hội cạnh tranh với các ông lớn tại thị trường Việt Nam? Và xa hơn là AI Việt liệu có cơ hội tiến ra thế giới?
Trần Việt Hùng: Các mô hình ngôn ngữ lớn hiện chưa hỗ trợ tiếng Việt tốt. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm giải pháp. Theo tôi, nếu các nhà phát triển Việt Nam tạo được bộ dữ liệu tiếng Việt tốt để tinh chỉnh và đánh giá các mô hình ngôn ngữ lớn thì sẽ có lợi cho tất cả.
AI có tạo ra giá trị lớn hay không phụ thuộc vào cả việc tạo ra các ứng dụng chứ không chỉ có các mô hình. Generative AI cũng còn có nhiều ứng dụng khác nữa chứ không chỉ có chatbot hay trợ lý ảo.
Nhìn chung, cá nhân hay tổ chức nào thực sự hiểu bài toán cần giải và đưa ra giải pháp tốt thì sẽ có cơ hội cạnh tranh, không quan trọng là công ty trong nước hay nước ngoài , thị trường nội địa hay toàn cầu.
Với chủ đề liên quan trực tiếp tới AI, ông đánh giá những chương trình như Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIC 2024) sẽ tác động thế nào tới sự phát triển của thị trường giải pháp AI trong nước?
Trần Việt Hùng: Hiện có nhiều chương trình, diễn đàn được tổ chức để thúc đấy sự phát triển của trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam (2024) do Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Meta phối hợp tổ chức mới đây là một ví dụ.
Đây là chương trình nhằm tìm kiếm và vinh danh các giải pháp, ứng dụng AI nhằm xây dựng, phát triển doanh nghiệp, gia tăng năng suất công việc. Những chương trình như vậy sẽ là nơi để người dùng, các doanh nghiệp đưa ra mong muốn cụ thể. Từ đề bài này, những người làm công nghệ sẽ bị hấp dẫn rồi tìm cách phát triển các giải pháp Generative AI để giải quyết nhu cầu.
Với sự hỗ trợ cả về kiến thức chuyên gia, cơ sở hạ tầng và tài chính cùng cơ hội phát triển thị trường, hy vọng những hoạt động này sẽ thu hút được lượng lớn các cá nhân và tổ chức tham gia. Từ đây, rất có thể sẽ có một số giải pháp thành công, mang lại giá trị lớn cho người dùng.