Tại triển lãm, một “cuộc chiến” giành sự chú ý của người tiêu dùng trên thị trường ô tô điện Trung Quốc đã diễn ra, tập trung vào sự "sang trọng về công nghệ" mà người mua ô tô ở các thị trường khác chưa từng thấy.
Hãng xe BYD cho biết sẽ giới thiệu mẫu sedan EV đầu tiên của thương hiệu cao cấp Yangwang, đồng thời ra mắt dòng siêu xe thứ ba U7, nhằm thúc đẩy phân khúc hạng sang, hướng tới mục đích tăng lợi nhuận trong bối cảnh cuộc chiến giá cả ngày càng gay gắt.
Tương tự, hai hãng Nissan và Mazda sẽ trình làng những mẫu xe mới được thiết kế riêng cho người lái xe Trung Quốc. Thông tin này cho thấy nỗ lực của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản nhằm giành lại chỗ đứng trên thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Bên cạnh điểm nhấn về sự sang trọng, yếu tố công nghệ cũng được tập trung giới thiệu tới người xem trong kỳ triển lãm ô tô của năm nay. Các hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến được thiết kế dành riêng cho thị trường Trung Quốc, tương tự như Hệ thống tự lái hoàn toàn (FSD) của Tesla cũng được một số nhà sản xuất ô tô tiếp thị như một ưu điểm vượt trội.
BYD sẽ ra mắt mẫu xe SUV Song L với hệ thống lái thông minh do hãng tự phát triển vào tháng Sáu tới. Trong khi hãng GAC tiết lộ sẽ sử dụng hệ thống lái xe thông minh Qiankun của Huawei trên các mẫu xe hàng đầu dưới thương hiệu phụ Trumpchi. Dự kiến chiếc đầu tiên sẽ ra mắt vào tháng 1/2025.
Cùng tham gia triển lãm lần này, nhà sản xuất pin CATL đã giới thiệu về một loại pin lithium iron phosphate (LFP) mới có phạm vi lái xe hơn 1.000 km trong một lần sạc.
Hãng công nghệ Xiaomi cũng ra mắt mẫu sản phẩm ô tô điện mới, dòng xe sedan điện thể thao SU7 với các tính năng vượt trội, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Theo thông báo từ Xiaomi, công ty đã chốt được 75.723 đơn đặt hàng cho sản phẩm SU7 và đặt mục tiêu giao hơn 10.000 chiếc vào tháng Sáu.
Triển lãm diễn ra giữa bối cảnh thị trường toàn cầu đang “ngập tràn” xe điện, khiến giá của loại phương tiện năng lượng mới giảm đáng kể, gây ảnh hưởng tới doanh thu của các nhà sản xuất. Theo các nhà quan sát, nguyên nhân là do tình trạng dư thừa công suất của các doanh nghiệp xe điện Trung Quốc, trong khi nhu cầu có xu hướng bị thu hẹp.
Nhằm bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, các nhà chức trách châu Âu đã đe dọa sẽ tăng thuế nhập khẩu và tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với xe điện Trung Quốc. Mỹ cũng đã lên tiếng cảnh báo sẽ hành động tương tự Liên minh châu Âu (EU). Điều này thúc đẩy các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đầu tư vào các nhà máy hoặc các nhà cung cấp ở nước ngoài, khi triển vọng thuế nhập khẩu cao hơn xuất hiện.
Giám đốc điều hành của Polestar Automotive cho biết, công ty đang chuẩn bị chuyển hoạt động sản xuất ô tô mà họ dự định bán sang thị trường châu Âu từ Trung Quốc sang một nhà máy ở Mỹ.
Ngược lại, việc hợp tác với các công ty địa phương từ lâu đã là con đường của các nhà sản xuất ô tô nước ngoài khi tìm cách thâm nhập vào Trung Quốc. Xu hướng này giờ đây vẫn rất mạnh mẽ. Hãng Mercedes-Benz cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào các mối quan hệ hợp tác với các đối tác ô tô Trung Quốc, trong đó có BAIC.
Trong khi, hãng Toyota của Nhật Bản tuyên bố hợp tác với "gã khổng lồ" công nghệ Tencent, thì Nissan lên kế hoạch hợp tác với Baidu. Các công ty cho biết, mối quan hệ đối tác xuyên biên giới nêu bật tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với các nhà sản xuất ô tô.
Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!