Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga sau cuộc tấn công Ukraine gồm việc loại trừ khỏi hệ thống tài chính Swift, có thể mang lại cơ hội phát triển mới cho đồng tiền kỹ thuật số và Trung Quốc là nước có lợi nhất với hệ thống thanh toán xuyên biên giới của nước này.
(Ảnh: FT) |
Cả nhân dân tệ điện tử (e-CNY) và Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc đều có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch ở nước ngoài và qua mặt các lệnh trừng phạt tương tự trong các tình huống khủng hoảng.
Trong báo cáo mới đây, nhà phân tích Ming Ming của hãng chứng khoán Citic Securities tin rằng “cần phải thúc đẩy mạnh mẽ quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, đặc biệt là sự phát triển của hệ thống CIPS và đồng nhân dân tệ kỹ thuật số”.
Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu tiền điện tử do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) từ năm 2014 khi Ngân hàng trung ương thành lập một nhóm nghiên cứu tiền kỹ thuật số. Đó cũng là khoảng thời gian Bitcoin dần thu hút sự chú ý trong giới đầu tư với giá lần đầu tăng vọt lên trên 1.000 USD.
e-CNY nằm trong xu hướng phát triển chung của CBDC trên toàn cầu khi các loại tiền điện tử như Bitcoin, Ether… trỗi dậy và nằm ngoài sự kiểm soát của nhà chức trách. Tại Olympics Bắc Kinh vừa diễn ra, e-CNY đã có màn chào sân dành cho người dùng quốc tế sau hơn 1 năm chạy thử nghiệm tại một số địa điểm trong nước. Ngân hàng trung ương cũng đẩy nhanh quá trình thử nghiệm e-CNY khi ra mắt ví nhân dân tệ điện tử trên hai chợ ứng dụng của Google và Apple.
Trong khi đó, hệ thống thanh toán bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có 75 bên tham gia trực tiếp, bao gồm Citibank, HSBC và Deutsche Bank cùng 1.205 bên tham gia gián tiếp. Một đặc trưng của e-CNY là thanh toán và chuyển tiền diễn ra đồng thời. Điều này giúp giảm sự phụ thuộc vào tài khoản ngân hàng và bỏ qua các trung gian tài chính trong một số trường hợp.
Nhà nghiên cứu Lu Wei của Minsheng Securities cho biết tiền kỹ thuật số sẽ giúp giảm số lượng ngân hàng đại lý và có thể đạt được các giao dịch xuyên biên giới theo thời gian thực. Ông nói thêm: “Với việc Trung Quốc dẫn đầu trong hệ sinh thái thanh toán điện tử toàn cầu, [tiền kỹ thuật số] có thể được phổ biến một cách nhanh chóng với chi phí thấp”.
Trung Quốc là quốc gia tiên phong nghiên cứu về tiền kỹ thuật số. Các nhà chức trách đã thí điểm tập trung vào thanh toán bán lẻ trong nước tại Thượng Hải, Hải Nam, Tô Châu, Thành Đô, Hùng An, Trường Sa, Đại Liên, Tây An, Thanh Đảo và các địa điểm Olympic ở Bắc Kinh.
Thời báo Chứng khoán đưa tin Trung Quốc sẽ sớm mở rộng việc thử nghiệm tiền kỹ thuật số của mình đến một loạt thành phố khác. Dữ liệu của chính phủ cho thấy 261 triệu ví kỹ thuật số đã được mở và tổng số giao dịch đạt 87,6 tỷ nhân dân tệ (13,9 tỷ USD) vào cuối tháng 12/2021.
Giờ đây, nó phần nào quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của người dân Trung Quốc bình thường: ứng dụng e-CNY đã được tải xuống 17 triệu lần kể từ khi có mặt trên App Store và Google Play đầu tháng 1 và có hơn 5 triệu người dùng đang hoạt động.
Phát biểu trong một hội thảo do Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức vào tháng trước, ông Mu Changchun, người đứng đầu viện nghiên cứu tiền kỹ thuật số tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, chia sẻ, các nhà chức trách sẽ theo dõi chặt chẽ trải nghiệm người dùng, bảo mật và hiệu quả, nhưng chưa “chốt” thời gian phát hành chính thức.
Đồng nhân dân tệ dường như không bị ảnh hưởng trước sự kiện Nga tấn công Ukraine, khi đạt giá trị cao nhất trong gần 4 năm so với đồng USD vào ngày 1/3. Dù vậy, mức độ sử dụng quốc tế của nó không tương xứng với vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của Trung Quốc khi chỉ chiếm khoảng 18% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Dữ liệu của Swift chỉ ra, nhân dân tệ chiếm 3,2% thanh toán toàn cầu trong tháng 1, đứng thứ tư sau 39,92% đối với USD và 36,56% đối với EUR.
Nhiều học giả Trung Quốc đã đặt hy vọng vào việc sử dụng tiền tệ kỹ thuật số trong các giao dịch quốc tế. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã và đang hợp tác với các đối tác của mình ở Hồng Kông, Thái Lan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để khám phá việc sử dụng tiền kỹ thuật số trong các giao dịch quốc tế, mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, bao gồm chủ quyền tiền tệ, quy tắc quản lý ngoại hối, chống - rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.
Du Lam
Nga xem xét nhận thanh toán dầu mỏ bằng Bitcoin
Ngày 24/3, Chủ tịch Uỷ ban năng lượng Duma Nga cho biết có thể áp dụng linh hoạt các lựa chọn thanh toán đối với những quốc gia “thân thiện” và Bitcoin cũng là 1 khả năng.