Trí tuệ nhân tạo (AI) là chủ đề nóng nhất tại Phố Wall và Silicon Valley hiện nay. Các công ty công nghệ phải cạnh tranh nhau để có được những nhân tài AI ít ỏi. Ngay cả Elon Musk cũng phải gọi đây là “cuộc chiến tài năng điên rồ nhất”. Google, Apple, Meta đang tung ra hàng triệu USD cùng các gói phúc lợi hấp dẫn để đi trước đối thủ.

nmwauo11.png
CEO Tesla kiêm nhà sáng lập xAI Elon Musk nhận xét cuộc chiến nhân tài AI đang cạnh tranh hơn bao giờ hết. Ảnh: NurPhoto

Musk không hề lạ lẫm với điều này bởi hơn 10 năm làm trong lĩnh vực AI, theo sát bức tranh AI hiện đại từ ban đầu. Chính ông cũng tham gia trong cuộc chiến 'săn đầu người', dẫn đến mất đi tình bạn lâu năm với đồng sáng lập Google Larry Page.

Khủng hoảng nhân tài AI

Chia sẻ trên Wall Street Journal, Naveen Rao, người đứng đầu bộ phận AI tại Databricks, cho biết trên thế giới chỉ có vài trăm người có trình độ và kinh nghiệm cấp cao trong việc đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn và khắc phục sự cố các nền tảng AI mới. “Cơn khát” nhân sự AI giỏi có thể sắp được giải tỏa phần nào khi nhiều công ty và trường đại học hàng đầu đã bắt đầu cung cấp các chương trình đào tạo ngắn hạn về AI. Một số trường bổ sung các chuyên ngành AI mới. Dù vậy, sẽ mất nhiều năm để sinh viên bắt kịp, đồng nghĩa trong ngắn hạn, để mời được người tài, doanh nghiệp phải chấp nhận bỏ ra số tiền không nhỏ.

Theo dữ liệu từ Levels.fyi, mức lương trung bình tại OpenAI lên tới 925.000 USD, bao gồm tiền thưởng và vốn chủ sở hữu của công ty. Các kỹ sư AI của Meta kiếm được khoảng 400.000 USD.

Nhân sự càng giỏi, cạnh tranh càng cao. Ví dụ gần đây Ethan Knight, nhà khoa học máy học Tesla đã gia nhập startup xAI của Musk. Đây là kỹ sư thứ tư của Tesla về xAI nhưng ông cũng đồng thời nhận lời mời từ OpenAI của Sam Altman. Musk tiết lộ OpenAI đang tích cực chèo kéo kỹ sư Tesla với những đề nghị hấp dẫn và đã có vài lần thành công.

Sự cố Sutskever

Quay lại thời điểm năm 2015, Musk tham gia vào một cuộc chiến tuyển dụng AI cao cấp khác khi ông “câu” nhà nghiên cứu hàng đầu Ilya Sutskever từ Google Brain, ra giá 2 triệu USD để ông tham gia startup OpenAI mà Musk đồng sáng lập.

Theo người viết tiểu sử của Musk, Walter Isaacson, Musk làm vậy một phần vì bất đồng với hệ tư tưởng AI của Larry Page, người lãnh đạo Google Brain. Page được cho đã gọi Musk là “speciesist” (thuật ngữ chỉ một người theo chủ nghĩa phân biệt đối xử theo loài, đối xử tệ với động vật) vì nhấn mạnh rằng nhân loại phải luôn được ưu tiên hơn một số dạng thức AI.

Musk rời OpenAI vào năm 2018, để lại CEO Sam Altman nắm quyền kiểm soát và Sutskever phụ trách nghiên cứu. Sutskeve gắn bó với OpenAI với tư cách là nhà khoa học chính cho đến năm 2023, khi ông nằm trong số những thành viên hội đồng quản trị OpenAI đuổi Altman. Sutskever thôi việc sau khi Altman được phục chức.

Nói cách khác, nếu Musk nói rằng cuộc chiến tài năng này là tồi tệ nhất mà ông từng thấy, nó chắc chắn rất tệ. Các hãng công nghệ từ Google đến Apple đều vô cùng thiếu nhân sự AI. Khi các mô hình và công ty mới sinh sôi này nở, nhu cầu kỹ sư AI có thể sẽ tiếp tục tăng lên.

(Theo Fortune)