Điều này cũng có thể thấy rõ ở các NPH khi họ luôn mạnh miệng tuyên bố rằng game sẽ không có hack, hoặc thường xuyên chống hack, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn là cộng đồng đã có thể tiếp cận với các phần mềm can thiệp vào hệ thống của game. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng tới hình ảnh của cộng đồng người chơi game Việt Nam khi nhiều NPH lớn nước ngoài thường xuyên chặn IP Việt Nam đối với các tựa game của mình. Vậy tại sao cuộc chiến chống hack vẫn diễn ra mà không có sự biến chuyển nào cho tới thời điểm này?
Chúng ta cần định nghĩa lại một ít về hack game, đặc biệt là với game online. Khác với cheat game (ăn gian) thường được tích hợp sẵn vào hệ thống như mã 30 mạng trong Contra, mã tiền của Counter-Strike hay tài nguyên trong game chiến thuật, Hack là việc ăn gian bằng cách can thiệp trực tiếp vào hệ thống của game bằng phần mềm bên thứ 3. Gần giống như trainer, hack game giúp người sử dụng phần mềm hack có lợi thế gần như tuyệt đối trước đối phương, qua đó phá vỡ tính cân bằng vốn có của cuộc chơi.
Có lẽ điều này có liên quan một phần tới bản năng của con người là sự chống đối. Một khi bị đặt vào một khuôn khổ, điều đầu tiên mà con người nghĩ đến là tìm cách phá vỡ các rào cản giới hạn mình lại. Điều này cũng có thể nhìn thấy rõ ở game online Việt Nam khi NPH càng mạnh miệng tuyên bố chống hack thì các nhóm phát triển phần mềm thứ 3 càng có động cơ để tìm cách xâm nhập vào hệ thống cũng như hoàn thiện “đứa con tinh thần” của mình.
Có lẽ ví dụ điển hình nhất gần đây là việc xuất hiện công cụ hỗ trợ của Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) cho phép người dùng nhìn được phạm vi tấn công của đối phương, và đặc biệt hơn là hỗ trợ tự cast skill cũng như né đòn với độ chính xác tới 90%. Có thể nhiều người cho rằng phần mềm “công cụ” này chỉ hỗ trợ chơi game một cách hiệu quả hơn, nhưng họ không biết rằng việc xem được phạm vi cũng như hướng tấn công của đối phương là một kĩ năng mà chỉ có người chơi chuyên nghiệp có thể nắm vững. Do đó việc biết trước cách đối phương tấn công trong một game MOBA bằng “công cụ” cũng đã có thể coi là hành vi hack game, với mức độ nghiêm trọng tương đương với hack “nhìn xuyên tường” trong game bắn súng vậy. Và có lẽ việc hỗ trợ cast skill cũng tương tự với hack “1 hit” đã quá nổi tiếng trong Đột Kích (CF).
Khi hack game đã trở thành một phần của văn hóa chơi game thì có lẽ việc loại bỏ hoàn toàn yếu tố này không thể thực hiện được trong một sớm một chiều, và càng không thể nếu các NPH cứ mạnh miệng thách thức các nhóm viết phần mềm được, điều này sẽ phần nào kích thích việc phát triển các “công cụ hỗ trợ” trong game diễn ra mạnh hơn, cũng như hạ thấp uy tín của NPH khi phần mềm hack được tung ra thành công (như Garena từng công bố tặng tiền tỷ cho ai hack được LMHT).
Cá nhân tôi nghĩ hack game cũng giống như cheat, giúp người chơi thưởng thức tựa game mà họ yêu thích theo một góc nhìn (xuyên tường) khác, nhưng việc hack chỉ vui khi không thật sự gây ảnh hưởng tới quá trình thưởng thức game của những người cùng chơi. Có lẽ ai chơi CF cũng đã từng gặp trường hợp cả phòng cùng hack độn thổ, hay các game offline thường có lựa chọn cho phép cheat trong chế độ LAN.
Hay bạn có thể hack game tùy thích trong chế độ nhiệm vụ, khi giúp người chơi khác qua các cửa ải khó cũng như giảm thời gian cày cuốc. Nhưng nếu một người chơi mà hack speed ăn hết mạng của phòng thì có lẽ không ai có thể chấp nhận được, và việc vote kick chắc chắn sẽ xảy ra sau đó (dù có một số phần mềm chặn được cả vote). Do đó việc chống hack cần có sự chung sức của cả cộng đồng, dù không phải bài trừ hack 100% nhưng việc sử dụng các phần mềm này đúng nơi, đúng chỗ cũng sẽ phần nào khiến môi trường trong game sạch sẽ hơn mà không cần NPH phải động tay vào.
Theo XemGame